Trong quý 1/2017, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng 4,9%. Nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh tín dụng khá cao ngay trong quý đầu năm như Lienvietpostbank (11%), Kiên Long (10,3%), SCB (9%), ACB (8,3%), Vietcombank (8,3%).

4 tháng: Tăng trưởng tín dụng đạt 5,2% - Hình 1

Ảnh minh họa

Cũng theo ủy ban giám sát, tín dụng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn, giảm tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn. Ước tính tỷ trọng tín dụng ngắn hạn trong tổng tín dụng tăng từ 44,9% trong tháng 12/2016 lên 45,5% trong tháng 3/2017. 

Trong khi tín dụng trung dài hạn tháng 4/2017 ước tăng 4,3%, các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại kỳ hạn cho vay và huy động để giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Cơ cấu tín dụng theo loại tiền được duy trì ổn định, trong đó tín dụng bằng VND chiếm 91,7%.

Trong khi đó, huy động vốn bốn tháng đầu năm nay tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ, ước tính đến cuối tháng 4/2017, huy động vốn tăng 3,7%, còn cùng kỳ 2016 tăng 4,6%. Trong đó, huy động bằng VND ước tăng 3,6% (cùng kỳ 2016 tăng 5,8%). 

Tăng trưởng huy động chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng dẫn đến tỷ lệ tín dụng/huy động tăng nhẹ từ 86,3% lên 87%. 

Trong tháng 4 năm 2017, thanh khoản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu khó khăn cục bộ. Điều này được thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng tuy vẫn ở mức khá cao, song đã giảm nhẹ so với cuối tháng 3/2016 (giảm khoảng khoảng 0,1 – 0,2 điểm %). Cùng với đó, trên thị trường mở OMO, NHNN bơm ròng hỗ trợ thanh khoản chủ yếu qua kênh cầm cố. Tính đến ngày 24/4, NHNN đã bơm ròng khoảng 27 nghìn tỷ đồng.

Nguyên nhân biến động trên thị trường tiền tệ trong những tháng đầu năm 2017 chủ yếu do nhu cầu tín dụng tăng cao ngay từ đầu năm và nhu cầu cơ cấu lại nguồn vốn của một số NHTM có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn cao nhằm đáp ứng quy định của NHNN.

PV