Đây là con số xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch COVID-19 mang lại, trong khi nhiều ngành hàng vẫn đang ngập trong khó khăn.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, các doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Do đó, dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: "Thị trường đồ gỗ, nội thất của thế giới còn rất nhiều dư địa phát triển. Hiện, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 9% thị phần, còn đến hơn 90% thị phần để ngành gỗ Việt Nam tiếp cận, chiếm lĩnh. Với tốc độ phát triển xuất khẩu mạnh mẽ, ấn tượng như hiện nay, tôi nghĩ Việt Nam không phải là nước đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, mà có thể đứng thứ tư, thứ ba thế giới về lĩnh vực này".
Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ đã nhận đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài cho đến cuối năm nay. Đây là bước tăng trưởng khá tốt của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ so với trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19.
Sự gia tăng đơn hàng, tăng kim ngạch xuất khẩu là niềm vui trước mắt của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính vì sự gia tăng đơn hàng trong diễn biến dịch bệnh sẽ khiến khả năng đáp ứng của nhiều doanh nghiệp bị hạn chế, bởi nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm lại phải thực hiện khắt khe theo yêu cầu của khách hàng; trong đó, truy xuất nguồn gốc từng bộ phận sản phẩm càng được thực hiện chặt chẽ, tránh một chi tiết sản phẩm làm ách tắc cả lô hàng xuất khẩu.
Minh Đức