Đoàn đại biểu Hà Nội- Huế- Sài Gòn
Dự tọa đàm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ; cùng lãnh đạo 3 tỉnh thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn và đông đảo nhân sĩ, trí thức, các nhân chứng lịch sử.
Được biết, cách đây 60 năm, vào tối 8/10/1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội lúc đó đã tổ chức trọng thể ký kết Lễ kết nghĩa ba thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn.
Ông Chu Ngọc Anh- Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, lịch sử dân tộc ta đã khẳng định Hà Nội – Huế - Sài Gòn “như cây một cội, như con một nhà”, trải qua các thời kỳ lịch sử đã hợp sức cùng nhau trong lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, chống kẻ thù xâm lược, giữ vững bờ cõi dân tộc đã được thể hiện sinh động trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Trong 10 năm (1965-1975), Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên 8,6 vạn thanh niên nhập ngũ để bổ sung cho các quân binh chủng, trực tiếp chi viện cho các chiến trường. Hơn 11.560 người con ưu tú của Thủ đô đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của dân tộc.
Ông Lê Trường Lưu- Bí thư tỉnh uỷ TT Huế
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Thăng Long, Thuận Hóa, Gia Định hay Hà Nội, Huế, Sài Gòn, mối quan hệ lâu đời giữa ba địa phương là tiền đề quan trọng tạo nên sự phát triển của Việt Nam qua các thời kỳ cũng như trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.
Bí thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị ba thành phố tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo cán bộ, nhất là lĩnh vực quản lý, vận hành hệ thống về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Đẩy mạnh hợp tác về phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào các lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch, phát triển đô thị, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; du lịch, thương mại; văn hóa, xã hội; an ninh quốc phòng...
Ông Dương Anh Đức- PCT UBND TP Hồ Chí Minh
Phát biểu, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tình nghĩa keo sơn đó nên tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định đặt đổi một số tên đường như đường Hà Nội, đường Bến Nghé. UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết định đổi tên Xa lộ Biên Hòa thành Xa lộ Hà Nội. Ông Dương Anh Đức hy vọng “Mối tình sắt son đó sẽ mãi mãi thắm tươi trên những công trình mang dấu ấn chung trong quy hoạch và phát triển, trong từng chương trình kế hoạch, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; du lịch; thương mại; văn hóa - xã hội; y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội của ba Thành phố”
Quang cảnh buổi toạ đàm( ảnh VPUBND tỉnh TT Huế)
Phát biểu tại buổi toạ đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu rõ, Hà Nội, Huế, Sài Gòn là đại diện tiêu biểu cho ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Điểm chung của ba thành phố này đều đã từng là kinh đô hoặc thủ đô, thủ phủ của mỗi miền trong tiến trình lịch sử đất nước.
GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô khẳng định: Thăng Long – Hà Nội, Huế, Sài Gòn đều là những trụ cột quyết định thành công trong mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn mở cõi, định cõi, thống nhất, đất nước, thống nhất quốc gia dân tộc. Tình cảm nghĩa tình giữa ba thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã đi vào lịch sử.
Trần Minh Tích