Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo phân tích của bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã làm doanh nghiệp Việt bộc lộ tức thì mọi vấn đề hạn chế, bao gồm cả những yếu tố mang tính “hệ thống” cũng như các khó khăn khách quan phát sinh trên diện rộng khu vực, toàn cầu mà doanh nghiệp Việt cùng phải gánh chịu. Đã có nhiều đánh giá cả trong nước và quốc tế về ảnh hưởng của Covid-19 đến nền kinh tế và các doanh nghiệp với nhiều góc phân tích nhưng có một số điểm chung được nhiều bên nhận định.

Đó là: Tác động của Covid-19 tới từng doanh nghiệp là khác nhau, phụ thuộc ngành nghề, quy mô, “sức khỏe”, khả năng thanh khoản của từng doanh nghiệp; Tương lai còn nhiều yếu tố bất ổn và bất định bởi đại dịch vẫn chưa có khả năng khống chế dù các nước rất nỗ lực để phát triển vắc xin và các biện pháp chống dịch đi kèm; doanh nghiệp không thể kiểm soát hay can thiệp vào tương lai nói trên, chỉ có thể làm chủ được các hoạt động của chính doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa các thiệt hại.

Bà Thanh cho hay, nhóm tư vấn của Deloitte Việt Nam đã nghiên cứu và chỉ ra 9 hành động thiết thực mà các doanh nghiệp nên thực hiện để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đồng thời, cũng đưa ra khuyến nghị, đó là những nguyên tắc cơ bản mọi doanh nghiệp nên làm để phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh và phát huy hiệu quả các FTA thế hệ mới. 9 hành động được chia thành 3 nhóm với các mức tác động khác nhau tới doanh nghiệp, bao gồm:

Nhóm 1: Các hành động cần ưu tiên cao để tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp, có hiệu quả tức thì, hoàn toàn trong khả năng thực thi và kiểm soát của mỗi doanh nghiệp. Trong đó, rà soát để tối ưu hóa dòng tiền chi ra của doanh nghiệp, cắt giảm các dòng chi chưa/không cần thiết; Đối chiếu công nợ để tối ưu hóa chuỗi cung tài chính, xây dựng phương án thu hồi công nợ hoặc khoanh, giãn nợ hiệu quả hơn; Tối ưu hóa hoạt động, tập trung vào duy trì hoạt động thiết yếu và liên quan trực tiếp chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Nhóm 2: Các hành động giúp tối ưu hóa hệ thống và doanh nghiệp hoàn toàn chủ động được trong khâu thực thi. Trong đó, nhận diện lại về khách hàng và thị trường bởi các chủ thể/yếu tố này có nhiều biến đổi trong bối cảnh đại dịch; Xây dựng, làm mới các chương trình tập trung vào chiến lược giữ chân khách hàng dựa trên những phân tích trước đó; Xây dựng các chính sách để gắn kết, ràng buộc chặt chẽ với các nhà cung ứng trong cùng chuỗi.

Nhóm 3: Các hành động mang tính chiến lược, dài hạn, là sự lựa chọn khôn ngoan của doanh nghiệp để phục hồi kiên cường, bền vững. Trong đó, điều chỉnh sản phẩm/dịch vụ ngày một hiệu quả hơn; Điều chỉnh giá của sản phẩm và tái thiết các nhóm sản phẩm trọng tâm; Tạo kênh tiếp cận dễ dàng hơn cho khách hàng đối với sản phẩm, dịch của của doanh nghiệp (ví dụ sử dụng nhiều hơn các nền tảng online).

“Việc mỗi doanh nghiệp nên lựa chọn thực hiện hành động nào trong số 9 hành động được khuyến nghị sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực, ngành nghề cũng như vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Và một trong những điều kiện tiên quyết giúp lãnh đạo doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định và triển khai hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào mức độ “kiên tâm” và “kiên cường” mà lãnh đạo có thể xây dựng cho doanh nghiệp mình.

Các doanh nghiệp Việt hầu như chưa từng trải qua cuộc khủng hoảng cả về y tế và kinh tế tương tự như đại dịch Covid-19. Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng không tránh khỏi tình trạng bị động, lúng túng trong việc giải quyết khó khă, xử lý khủng hoàng toàn diện lần này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo thực sự kiên tâm và bền bỉ chèo lái, thì sẽ có khả năng nắm bắt cơ hội lớn nhất để vượt qua khủng hoảng, đưa doanh nghiệp vươn mình trỗi dậy trong giai đoạn đối phó và phục hồi sau khủng hoảng cũng như trong mọi điều kiện hoạt động bình thường hay điều kiện tăng trưởng, phát triển”, bà Thanh nhấn mạnh.

Đoàn Huế