Theo đó, qua khảo sát nhanh tại các doanh nghiệp và thông tin từ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện và TP. Thủ Đức, Liên đoàn lao động thành phố, … trong dịp Tết, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 13 doanh nghiệp tổ chức cho người lao động làm việc xuyên tết với 1.544/6.566 lao động. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, vận tải… tại các khu vực tập trung đông khách du lịch và người người dân tham quan, mua sắm.
Ngày 15/02 (mùng 6 Tết), đối với các cơ quan, đơn vị (trừ trường học công lập) và doanh nghiệp nhà nước hầu hết người lao động đã quay trở lại làm việc gần 99%.
Đối với tình hình người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước có đông lao động, tỉ lệ doanh nghiệp trở lại hoạt động khoảng 65% với lao động vào làm việc là 85%. Nguyên do thời gian quay trở lại làm việc sau Tết rơi vào các ngày thứ năm, sáu cuối tuần nên một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động nghỉ phép năm, nhất là lao động ở các tỉnh xa về quê ăn Tết.
Ngày 19/02 (mùng 10 Âm lịch), qua kết quả khảo sát tại 3.247 doanh nghiệp, tỉ lệ doanh nghiệp đã hoạt động trở lại khoảng 98%, tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc là 97%. Theo nhận định của các doanh nghiệp tỉ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%, tập trung tại các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính…
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, so với năm 2023, tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết không có nhiều thay đổi. Trong đó nguyên nhân có thể nhận thấy rõ nét là tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các doanh nghiệp trong năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, người lao động mong muốn ổn định việc làm, gắn bó với doanh nghiệp hơn trong năm 2024. Mặt khác hoạt động sản xuất kinh doanh đang có nhiều dấu hiệu tích cực với việc một số doanh nghiệp tiếp nhận được các đơn hàng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2024 ngay thời điểm cuối năm 2023.
Bên cạnh tình hình lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài đón Tết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng thông tin về nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên đán năm 2024.
Theo đó, trong năm thành phố cần từ khoảng 52.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,56% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,66% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,78%. Nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 20,77% và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,23%. Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,55%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 19,74%, trung cấp chiếm 27,77%, cao đẳng chiếm 19,61%, đại học trở lên chiếm 20,43%.
Về nhu cầu tìm việc làm của người lao động, số liệu thống kê cho thấy trước và sau Tết Nguyên đán là 16.938 người, chủ yếu tập trung tại các ngành nghề như quản trị văn phòng chiếm 19,91% tổng nhu cầu tìm việc, lao động phổ thông chiếm 16,42%, kinh doanh - quản lý chiếm 16,08%, kế toán - kiểm toán chiếm 10,83%, công nghệ thông tin chiếm 6,41% và các ngành nghề khác chiếm 30,35%.
Hoàng Bách