Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào, yêu thương đùm bọc lẫn nhau” của dân tộc, trong những năm qua, thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, Bộ Công an luôn tập trung hướng tới công tác chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo, người gặp khó khăn trên địa bàn cả nước. Đến nay, Bộ Công an đã hỗ trợ xây dựng 15.000 căn nhà, cùng nhiều điểm trường bán trú trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nghệ An, Sóc Trăng, Bắc Kạn…
Chương trình xây dựng và trao tặng 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc, hộ gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, khó khăn về nhà ở thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk, do Bộ Công an phát động, có ý nghĩa chính trị và giá trị nhân văn sâu sắc.
Địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng là vùng đất “phên dậu của Tổ quốc”, là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đối thoại của cả nước, các dân tộc có truyền thống đoàn kết đấu tranh cách mạng kiên cường và giàu bản sắc văn hóa. Trong mọi giai đoạn của cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, địa bàn này được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ xác định là trung tâm đầu kéo phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Dưới sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của nhân dân, kinh tế - xã hội của Đắk Lắk đã có bước phát triển khá, đời sống của người dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh có diện tích rộng thứ tư cả nước với địa hình đa dạng, hiểm trở và có đường biên giới trên bộ dài, dân số dông, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nắng nóng nên số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn ở mức cao. Trong đó nhiều hộ gia đình gặp khó khăn về nhà ở, rất cần sự hỗ trợ để ổn định cuộc sống.
Từ sự giúp đỡ, ủng hộ của các đơn vị tài trợ, trong đó có Agribank, Bộ Công an đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng thiết kế mẫu nhà, cách thức, phương pháp thực hiện để Công an tỉnh Đắk Lắk chủ trì chung tay cùng bà con nhân dân xây dựng nhà ở, góp phần ổn định cuộc sống người dân nghèo tại địa bàn tỉnh. Đến nay đã xây dựng xong 02 căn nhà mẫu tại huyện Cư M’gar, phấn đấu đến đúng dịp Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, tiến tới kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/2024) sẽ hoàn thiện 1.200 ngôi nhà tình nghĩa, trao tặng cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Mỗi căn nhà có trị giá khoảng 80 triệu đồng, rộng 36m2 với tường xây kiên cố, mái tôn, nền gạch hoa và cửa sắt.
Hưởng ứng và đồng hành với Chương trình xây dựng 1.200 căn nhà cho người nghèo tại tỉnh Đắk Lắk, do Bộ Công an phát động, cán bộ người lao động Agribank mong muốn cùng cán bộ chiến sĩ công an cả nước tiếp nối truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam. Cũng thông qua chương trình này, Agribank mong muốn cùng Bộ Công an, ngành Ngân hàng và tỉnh Đắk Lắk góp phần tiếp tục thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Riêng tại khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk, nhiều năm qua, Agribank đã quan tâm triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực như: tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho người nghèo, gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn; xây dựng trường học, trạm y tế, công trình giao thông; tặng quà hộ nghèo, cận nghèo, gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng; chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, trẻ em khuyết tật nỗ lực vươn lên trong cuộc sống…
Agribank là ngân hàng chủ động và tích cực với các hoạt động an sinh xã hội trên cả nước. Hàng năm, Agribank đều dành nguồn kinh phí nhất định cho các hoạt động an sinh xã hội. Năm 2023 mặc dù hoạt động trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Agribank cũng đã dành hơn 500 tỷ đồng kinh phí cho các chương trình an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; xóa đói giảm nghèo; đền ơn đáp nghĩa; khắc phục hậu quả thiên tai, trao tặng thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội… Dịp Tết Giáp Thìn 2024, toàn hệ thống Agribank đã dành hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ công tác chăm lo cho người nghèo, các gia đình chính sách trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Agribank luôn khẳng định vị thế, vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Ngành Ngân hàng; luôn kiên định sứ mệnh đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn, gắn bó đồng hành cùng người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp trên khắp mọi miền đất nước. Agribank luôn duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khoảng 65-70% tổng dư nợ của ngân hàng, chiếm thị phần lớn nhất về tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam với nhiều chương trình tín dụng hiệu quả, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, góp phần quan trọng hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về “Tam nông”.
Minh Anh