Đặc biệt, với mạng lưới phủ hầu khắp các địa phương, Agribank đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn tín dụng chính thống, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng, góp phần giảm nghèo bền vững và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi.

Agribank tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân - Hình 1

Agribank tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân

Đối với yêu cầu triển khai mạnh mẽ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ (đã được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank xác định đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Đến nay, dư nợ theo Nghị định này tại Agribank đạt 659.603 tỷ đồng (3.247.077 khách hàng). Một kênh dẫn vốn hiệu quả nữa đó là Agribank phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,.. triển khai mạnh mẽ cho các hội viên thuộc các hội đoàn thể vay vốn, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu.

Ngoài ra, công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận tín dụng luôn được Agribank xem là việc làm quan trọng, thường xuyên. Việc mở rộng mạng lưới hoạt động cũng đã được Agribank triển khai phù hợp, tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân. Đặc biệt, ở những vùng chưa phù hợp để mở phòng giao dịch, chi nhánh thì Agribank đã triển khai Điểm giao dịch ngân hàng bằng xe ô tô chuyên dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng của người dân...

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, Agribank đề ra giải pháp năm 2019 đó là: Kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng  quản lý gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng và lựa chọn khách hàng; đơn giản hóa tối đa thủ tục cho vay đối với các khoản cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn để góp phần tham gia đấu tranh, hạn chế “tín dụng đen”. 

Agribank không ngừng nỗ lực tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của bà con nông dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, để mọi người dân ai cũng được thụ hưởng lợi ích từ các chương trình tín dụng chính sách, tránh “bẫy” tín dụng đen, vốn “len lỏi” ở các vùng quê lâu nay. Cụ thể là Agribank đang xúc tiến triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng tín chấp, đáp ứng nhu cầu đột xuất, cấp thiết của khách hàng. Mỗi khoản vay tối đa 30 triệu đồng tùy theo khả năng trả nợ của từng gia đình, khách hàng. thủ tục hồ sơ nhanh gọn, có thể sáng vay - chiều giải ngân để đáp ứng nhu cầu vốn cấp bách cần thiết của người dân.

Cùng với đó, Agribank cũng là ngân hàng đi đầu trong việc đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng. Đồng thời dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói dịch vụ cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân với mức lãi suất hợp lý, bù đắp rủi ro trong cho vay; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả nợ đúng hạn…  

Agribank phát triển cung ứng nhiều SPDV về vay tiêu dùng, vay tín chấp... phục vụ nhu cầu giao dịch thanh toán của đông đảo người dân

Kiên định theo đuổi mục tiêu phát triển “Tam nông”, nguồn vốn của Agribank đã hỗ trợ tích cực quá trình sản xuất kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo. Có thể thấy, những định hướng, giải pháp lớn của Agribank đưa ra là phù hợp với yêu cầu hiện nay và sẽ góp phần quan trọng đóng góp vào việc thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững.

Phương Anh