Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, tuyến đường biên giới kéo dài gần 100 km, có nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch thông qua lại giữa An Giang và các tỉnh Campuchia, thời gian qua luôn là điểm nóng cho tội phạm buôn lậu gia tăng hoạt động.

Đặc biệt, từ đầu tháng 8 mỗi năm, khi nước lũ dâng cao, gây ngập sâu các tuyến đường, cánh đồng giáp biên giới, các đối tượng bắt đầu gia tăng phạm tội, tiến hành tập kết hàng lậu để vận chuyển qua biên giới hoặc sử dụng các xuồng máy tốc độ cao len lỏi qua các kênh gạch để đưa hàng hóa đi tiêu thụ.

An Giang: Kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới - Hình 1

Ảnh minh hoạ

Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, hiện công tác phòng, chống buôn lậu trên địa bàn An Giang gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng, phương tiện chống buôn lậu tại các địa bàn trọng điểm còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Trong khi đó, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu lại rất tinh vi, có tổ chức, luôn chủ động các biện pháp để đối phó, né tránh.

Theo đó, đường dây hoạt động, vận chuyển, buôn lậu được hình thành chặt chẽ, khép kín, toàn người thân trong gia đình; khi bị bắt giữ các đối tượng không khai báo đối tượng chủ mưu, cầm đầu, nên chỉ xử lý được các đối tượng “làm thuê, làm mướn”.

Hiện các địa bàn nổi cộm về tội phạm buôn lậu tại An Giang như: khu vực kênh Ngọn Cả Hàng, xã Vĩnh Hội Đông và khu vực dòng sông chung thị trấn Long Bình, huyện An Phú; thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên; xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu; khu vực gò Tà Mâu, thuộc phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc và tuyến Quốc lộ 91, tuyến sông Hậu, sông Tiền...

Năm 2018, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện 1.651 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu chủ yếu là đường cát và thuốc lá; giảm 24,5% so cùng kỳ.

Tổng trị giá hàng hoá bắt giữ trên 32,4 tỷ đồng, giảm 44,5% so cùng kỳ. Lực lượng chức năng khởi tố 39 vụ, với 51 đối tượng (tăng 30 vụ với 42 đối tượng so cùng kỳ, trị giá tang vật khởi tố trên 4,9 tỷ đồng.

Trong năm 2018, An Giang cũng đã kiểm tra, phát hiện 77 trường hợp vi phạm về chất lượng hàng hóa và 99 trường hợp mua bán hàng giả mạo sở hữu trí tuệ, giả về chất lượng, công dụng.

Ông Võ Nguyên Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, năm 2019 Ban chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo lực lượng Hải quan, Biên phòng An Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; các đường mòn, lối mở, kênh, dòng sông chung biên giới, cảng... để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh xây dựng, xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh xử lý không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn..., ông Nam cho biết thêm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại là công tác đấu tranh lâu dài, khó khăn, vô cùng phức tạp.

Hiện biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu có hiệu quả nhất, chính là sự trong sạch, gương mẫu của cán bộ, cán bộ lãnh đạo nếu kiên quyết không bao che, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu hoạt động thì tội phạm buôn lậu sẽ không còn đất sống, sẽ bị khống chế và sẽ đẩy lùi được vấn nạn buôn lậu.

Ông Lê Văn Nưng cũng yêu cầu thời gian tới Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng liên quan xác lập chuyên án đấu tranh với tội phạm buôn lậu, đánh vào đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu, kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ nổi cộm về buôn lậu trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, các sở, ngành liên quan nghiên cứu, khảo sát, đẩy nhanh lắp đặt camera ở các tuyến đường, địa bàn là điểm nóng mà tội phạm buôn lậu đang gia tăng hoạt động như huyện Tinh Biên, An Phú và thành phố Châu Đốc, để cơ quan chức năng theo dõi, phát hiện nhanh, để tiến hành truy bắt các đối tượng buôn lậu một cách có hiệu quả.

Hà Trần