Bản Sê Sáp, trên A Lung Dền, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào)
Bản Sê Sáp, trên A Lung Dền, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào)

Tôi từng qua nước bạn Lào rất nhiều lần, khi tháp tùng các lãnh đạo, nhưng rồi tất cả đều qua đi. Chỉ có chuyến đi với các đại biểu Quốc hội, HĐND… của tỉnh Thừa Thiên Huế đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc về tình người, về tấm lòng nhân hậu, về tình hòa hiếu giữa hai dân tộc Việt- Lào cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ.

    Kỳ 1: Trên cung đường Trường Sơn

Con đường lên bản Sê Sáp trên dãy Trường Sơn
Con đường lên bản Sê Sáp trên dãy Trường Sơn

Chuyến đi xuất phát vào một chiều giữa tháng 4/2023, 8 chiếc xe của các hội đoàn thể, cá nhân, doanh nghiệp chở 40 con người đủ các thành phần như Hội hữu nghị Việt- Lào, Hội Nữ Trí thức, Hội Doanh nhân nữ, Hội doanh nhân Cựu chiến binh, Bệnh viện Trung ương Huế… trong đó rất nhiều người là đại biểu dân cử thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, HĐND Thành phố Huế… do bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế và bà Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu) Phó Trưởng đoàn chuyên trách (Đoàn Đại biểu Quốc hội) tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đầu đã lên đường lên vùng núi, chiến khu A Lưới xưa, thăm các bản làng vùng sâu của tỉnh Thừa Thiên Huế và người dân các bộ tộc  Lào đang sống ở phía Tây trên dãy Trường Sơn.

Hàng phải nhờ đội quân xe máy của Bộ đội Biên phòng chuyển lên trước
Hàng phải nhờ đội quân xe máy của Bộ đội Biên phòng chuyển lên trước

Gần 20 năm trước, con đường nối Huế- A Lưới này mang tên gọi tỉnh lộ 12B, chúng tôi mỗi lần phải đi công tác lên A Lưới gọi là “Con đường kinh hoàng” vì con đường rất hẹp, nhiều nơi chỉ vừa chiếc xe qua lọt, lởm chớm đá, khúc khuỷu đầy đèo dốc; bên núi cao, bên vực sâu không có lan can. Biển báo suốt tuyến hầu như chỉ có cảnh báo đường đèo dốc nguy hiểm hay đường dễ bị sạt lỡ…, lái xe chỉ cần hơi lơ là thì  có chuyện ngay!

Đoàn xe đến biên giới Việt- Lào
Đoàn xe đến biên giới Việt- Lào.

Nay khi mang tên Quốc lộ 49B, cung đường đã được thảm nhựa. Dù chưa bằng Quốc lộ 9, con đường xuyên Á, nối Lao Bảo (Quảng Trị) với Đen Sa Vẳn (Lào) thì vẫn thuận lợi hơn nhiều. Kéo A Lưới gần với Huế hơn, vì trước kia đi suốt cả ngày chưa chắc đến thì nay chậm lắm chỉ hơn 2 tiếng là đến trung tâm huyện…

Ngồi trên xe, người cựu chiến binh Hoàng Văn Nhung, 20 năm lái xe dọc các cung đường Trường Sơn đọc tên vanh vách các điểm một thời là nổi kinh hoàng như Tà Lương, Eco, Mỏ Quạ, cầu Nhôm, Suối Máu, Khe Điên…nhưng trên chuyến đi này, đoạn đường mà ông nói là “bão táp” nhất chính là cung đường từ Đồn Biên phòng Nhâm đến bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) ở đầu nguồn sông A Sáp.

Xe bị đá chém đứt lốp phải kéo về Đồn Biên phòng Hồng Thái nằm lại
Xe bị đá chém đứt lốp phải kéo về Đồn Biên phòng Hồng Thái

Đoạn đường chừng gần 20 cây số nhưng đầy đá, sỏi, nhiều chỗ dốc dựng đứng, người phải xuống đi bộ; xe chạy… bò từng chút một, xuyên qua những cánh rừng chỉ có chuối rừng và lau lách, một bên là vực sâu. Tất cả xe chúng tôi đi đều “hai cầu” nhưng lắm chiếc phải bò lên… trụt xuống vài ba lần mới leo dốc được. Khó nhất là khúc cua gấp khi vượt qua khe Tu Vay để đến A Lung Dền nằm trên đỉnh con dốc cao dựng đứng. Đường toàn đá sắc, đến nỗi xe của ông Nguyễn Ngọc Thanh một doanh nhân, Trung tá Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh đã chuẩn bị cả tuần rồi thế mà chạy chưa đến bản Sê Sáp (Lào) đã bị đá chém bể lốp nằm giữa đường.

Người dân Bản Sê Sáp vui mừng đón Tết Bum Pi May
Người dân Bản Sê Sáp vui mừng đón Tết Bum Pi May.

Thật ra, với tôi thì đoạn đường này cũng đã “tốt” nhiều. Còn nhớ, cuối những năm 1990, khi tôi theo chân những người dân Hồng Thái (A Lưới) lên viết bài về những người đi tặc vàng (làm vàng) đầu nguồn sông A Sáp thì con đường này chỉ là lối mòn đầy sên, vắt. Lúc đó, 3 giờ sáng với gùi và cái A vắc (loại cuốc nhỏ) bắt đầu xuất phát từ xã Hồng Thái băng qua mấy nương, vườn của người dân Hồng Quảng vào khu rừng rậm của xã Nhâm, đi dọc theo con sông A sáp đến I- reo, vượt qua rặng Pi- ây lau lách nắng nóng như đi trên cái chảo rang, đổ xuống hang người Hồng Thái sinh sống thời chống Mỹ ở một khúc sông A Sáp, tiếp đó leo lên đến các điểm biên giới F1, F5..… mất 02 ngày trời.

Bây giờ con đường đã có hình hài hơn. Xe máy, xe ô tô dù vất vả nhưng có thể đi đến đỉnh núi Am Pạc, lên bản Sê Sáp (Lào).

Chị Nguyễn Thị Ái Vân- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh được người dân Lào té nước chúc phúc
Chị Nguyễn Thị Ái Vân- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh được người dân Lào té nước chúc phúc.

Nhìn các đại biểu dân cử, Cựu chiến binh, nữ doanh nhân… như chị Đoan Trang, chị Ngọc Yến, chị Nhung Xuân… ban đầu “tươi, tốt” nay bị say xe ngồi bẹp rúm, dù các chị đều là “tay lái lụa” mới thấy cung đường này “lợi, hại” như thế nào.

... Lễ tục buộc chỉ cổ tay chúc mừng
... Lễ tục buộc chỉ cổ tay chúc mừng.

Chị Quỳnh Tường, đại biểu hội đồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện A Lưới cho biết “cung đường khó đi như vậy nhưng mỗi năm mình cũng phải đi mấy lần thăm hỏi các chiến sĩ biên phòng, ủng hộ, cứu trợ người dân ở các bản làng xa”.

Văn nghệ mừng tết
Văn nghệ mừng Tết.

Chị Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu), phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh còn quyết tâm hơn, khi vừa từ Hà Nội bay vào Đà Nẵng, liền đi xe ra Huế theo đoàn ngay. Chị cho biết “Không thể bỏ lỡ chuyến đi được”.

Đoàn công tác cũng
Đoàn công tác cũng "cháy" hết mình với người dân bản Sê Sấp.

Mệt là thế, nhọc nhằn là thế, vậy mà khi cả đoàn xe … bò lên đến đỉnh núi Am Pạc trên dãy Trường Sơn, vào bản Sê Sáp, nhìn người dân bản Lào túa ra đón chào, dù không hiểu họ nói gì nhưng khi được buộc chỉ cổ tay, té nước chúc phúc, thì mọi người quên cả mệt nhọc.

Tất cả cùng chung niềm vui đón tết
Tất cả cùng chung niềm vui đón Tết

Cả đoàn công tác bỏ lại sau lưng những vất vả của cung đường Trường Sơn đầy gian nan, vất vả. Tất cả đều hòa chung niềm vui với người dân các bộ tộc Lào, cùng cất cao tiếng hát, tay nắm chặt tay trong vũ điệu Lăm Vông; cùng nở nụ cười tươi, thể hiện sự hòa hiếu của hai đất nước cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn ân tình, keo sơn, bền vững …

    Kỳ 2: Ăn tết Bum Pi May trên dãy Trường Sơn

                                                                                                                                            Trần Minh Tích