Vị trí và hướng đi của áp thấp nhiệt đới
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây nam với vận tốc khoảng 15 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7h ngày 2/1, vị trí tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 400 km về phía đông nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão tăng lên cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10.
Cùng thời gian này, vùng nguy hiểm trên Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.
Cơ quan khí tượng dự báo trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, vận tốc giảm xuống 10-15 km/h. Đến 7h ngày 3/1, tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 210 km về phía nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển lệch bắc với vận tốc giữ nguyên. Khoảng 7h sáng 4/1, tâm bão cách mũi Cà Mau chừng 240 km về phía tây tây nam với sức gió không đổi.
Trung tâm dự báo Quốc gia cảnh báo ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (có khả năng mạnh lên thành bão) kết hợp với không khí lạnh mạnh khiến vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.
Anh Anh