THCL DN “âm thầm” hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng do áp thuế NK xăng dầu sai so với cam kết quốc tế. Liên quan tới vấn đề này, nhiều chuyên gia lên tiếng, lỗi hoàn toàn thuộc về cơ quan quản lý, vì vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm, thu hồi và trả lại tiền cho người dân.

Lỗ hổng điều hành

Từ tháng 5/2015, với các sản phẩm xăng dầu nhập về từ các nước ASEAN, Hàn Quốc, thuế áp chỉ có 5%, 10%, thậm chí là 0% từ ngày 1/1/2016. Song, theo Thông tư 78 của liên Bộ Công thương, Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu vẫn được tính dựa trên mức thuế suất NK 20% với xăng, 10% với dầu diesel và mazut.

Nghĩa là, các công ty xăng dầu NK chịu mức thuế chỉ 0% - 5%, nhưng giá bán lẻ đến tay người mua vẫn được áp mức thuế 10% - 20%. Dễ nhận thấy, năm vừa qua, nhiều DN xăng dầu đã được hưởng lợi lớn. Điển hình là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), kết quả kinh doanh năm 2015 của DN này báo mức lãi sau thuế 3.138,5 tỷ đồng, công ty mẹ Petrolimex ghi nhận lãi 2.142 tỷ đồng, gấp 37 lần con số lãi 58,5 tỷ đồng của năm 2014.

Áp thuế NK xăng dầu sai so với cam kết quốc tế suốt thời gian dài, đồng nghĩa với việc, mỗi tháng người dân bị móc túi hàng trăm tỷ đồng. Lạ một điều, việc phát hiện ra “lỗ hổng” này là báo chí, chứ không phải cơ quan chức năng có thẩm quyền?

Lên tiếng về vấn đề này, Bộ Tài chính đã chính thức thừa nhận có sự chênh lệch trong áp thuế NK xăng dầu với số tiền hơn 3.500 tỷ đồng được hoàn cho DN. Ngày 18/3, Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng đã đồng ý với phương án xác định thuế NK theo mức bình quân gia quyền nhằm cân bằng lợi ích của người tiêu dùng, DN và Nhà nước.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ, việc áp thuế NK sai suốt thời gian qua kéo theo cách tính các loại thuế VAT, thuế thu nhập DN, phí vận chuyển, vận tải sai. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc áp thuế sai - khiến người dân chịu thiệt, luôn trong cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”.

Theo TS. Phong, thuế dùng khai giá cơ sở thường theo mức cao, còn thuế để nộp NSNN thường theo mức thấp. Việc áp thuế là do tổ giám sát liên ngành, có sự tham gia của một bộ phận ngành tài chính.

Xử lý dứt điểm

Vấn đề quan tâm hiện nay: Cần xử lý phần lợi nhuận của các DN kinh doanh xăng dầu nhờ hưởng chênh lệch thuế suất thời gian qua. Rõ ràng, tiền công của dân và phải trả về dân đó là nguyên tắc. Nhưng trả theo cách nào là hợp lý?

Theo ông Phong, có 2 cách: Trả về ngân sách để chi cho dân, hoặc trả về quỹ bình ổn, trả trực tiếp cho người mua xăng. Tuy nhiên, trả cho quỹ bình ổn là hợp lý hơn cả, những người mua trước đó chưa chắc được hưởng lợi, nhưng về cơ bản trả về tay người tiêu dùng.

Nói về việc truy thu phần lãi chênh lệch từ DN xăng dầu, ông Phong cho hay, khi tới thời điểm quyết toán sẽ căn cứ, tính toán lại bao nhiêu nhập từ ASEAN, bao nhiêu nhập từ Hàn Quốc… từ đó truy ra phần cơ cấu, áp thuế để tính ra. Vấn đề nếu không có mức thuế chuẩn chung tránh động cơ khai thác sẽ có trường hợp tạo ra tình huống khai báo giả, khai báo chỗ nào thuế nhập bằng 0%. Chính vì thế, theo đánh giá của vị chuyên gia này, việc áp thuế trung bình cộng là hợp lý.

Phân tích sâu hơn, ông Phong nêu rõ: Từ lâu, giới chuyên gia đã lên tiếng cần phải minh bạch các yếu tố cấu thành giá cơ sở, gồm giá đấu giá và chi phí vận chuyển, thuế…. nhưng đến nay vẫn không có thông tin. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ cho biết, xuất phát từ việc dùng giá báo giá từ Singapore và giá này bao giờ cũng cao hơn giá đấu giá.

Ở đây dường như có sự phân cấp quyết định quá mức, thiếu kiểm tra cho tổ liên ngành. Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định Bộ Công thương chủ trì, điều hành giá xăng dầu, phối hợp với Bộ Tài chính. Lỗi của Bộ Tài chính ở chỗ áp thuế thì phải kiểm tra, soát xét. Bộ Công thương là đơn vị đề xuất giá cũng phải có trách nhiệm. Thanh tra Chính phủ vào cuộc, tổ chức điều tra để truy tận cùng lỗi do ai, bộ phận nào?

Bên cạnh đó, cũng có một phần lỗi do cơ chế, chưa có sự phân công, theo nghĩa có cơ quan thực hiện điều phối mức độ tham gia hội nhập, các cam kết thuế hội nhập gắn với các FTA. Bởi về lộ trình, mức khác nhau, thuế cho các mặt hàng hoặc cùng mặt hàng nhưng nhập - xuất sang các nước khác nhau có sự khác biệt.

Nhiều chuyên gia lên tiếng, cần phải truy trách nhiệm đến cùng, thu hồi và trả tiền, đồng thời xin lỗi người dân. Điều đó một phần bảo đảm uy tín của Nhà nước trong điều hành. Tuy nhiên, câu chuyện này đặt ra một vấn đề lớn của hội nhập cần phải lưu tâm đó là những kẽ hở của chính sách và cả những cơ quan thực hiện chính sách.

“Thiết nghĩ, về lâu dài vẫn cần phải có cơ quan quản lý giá, tăng bổ sung cho quản lý giá của Chính phủ chức năng rà soát, áp tất cả các loại mức thuế theo cam kết hội nhập cho chính xác, minh bạch, công bằng”, ông Phong nhấn mạnh.

Đoàn Huế