Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

APEC 2017 – Kỳ vọng tương lai từ diễn đàn đa phương

Sau hàng loạt hội nghị liên quan trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố cả nước với nhiều chủ đề khác nhau, sáng 6/11, đúng 9h, Tuần lễ cấp cao (TLCC) của Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chính thức khai mạc tại resort Furama TP. Đà Nẵng. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong Năm APEC Việt Nam 2017 với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC, với sự tham dự của hơn 10.000 đại biểu khu vực và quốc tế.

Tập trung vào 2 mục tiêu chính

Với hoạt động mở đầu trong ngày khai mạc là “Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp”, có hơn 200 đại biểu gồm các quan chức cao cấp (SOM) của 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF), và Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).

APEC 2017 – Kỳ vọng tương lai từ diễn đàn đa phương - Hình 1

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịchSOM APEC 2017 cảm ơn các nền kinh tế thành viên đã đồng hành và đóng góp tích cực thúc đẩy tiến trình hợp tác APEC, cũng như phối hợp và hỗ trợ hiệu quả cho chủ nhà Việt Nam trong hơn 200 hoạt động diễn ra trong Năm APEC 2017.

Ông Bùi Thanh Sơn khẳng định, các nền kinh tế thành viên đều nỗ lực để đạt nhiều kết quả quan trọng, giữ đà hợp tác và đạt đồng thuận trên nhiều vấn đề, góp phần triển khai chủ đề và bốn ưu tiên hợp tác của năm 2017, cũng như các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn mà APEC đang triển khai.

Ông cho biết, Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp lần này, diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/11, tập trung vào 2 mục tiêu: Một là đánh giá kết quả hợp tác của các nền kinh tế trong năm 2017 và báo cáo kết quả đó lên cuộc họp bộ trưởng và các nhà lãnh đạo xem xét; hai là hoàn thành Tuyên bố AMM (Tuyên bố Hội nghị liên Bộ trưởng ngoại giao - Kinh tế APEC) và Tuyên bố cuộc họp các nhà lãnh đạo APEC.

Tiếp theo “Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp”, là Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC, một hoạt động trong khuôn khổ TLCC APEC, từ ngày 6-10/11. Mục tiêu của Diễn đàn nhằm thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào các nội dung hợp tác APEC, tăng cường giao lưu giữa thanh niên, sinh viên trong khu vực.

Các nội dung của Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017, tổ chức đối thoại với các chủ đề: Thúc đẩy Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và hòa nhập giữa thanh niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Làm thế nào để tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung giữa thanh niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Doanh nghiệp, sáng tạo và bền vững - Những khó khăn trong khởi nghiệp và thời đại số hóa của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Đồng thời, diễn đàn cũng tập trung thảo luận 4 nhóm chủ đề: Đóng góp của thanh niên đối với Tầm nhìn APEC hướng tới 2020 và tương lai; Hòa nhập về kinh tế, tài chính và xã hội; Phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số; Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới và các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Ông Bùi Thanh Sơn cho biết, việc Việt Nam tham gia APEC góp phần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương của Việt Nam, góp phần củng cố môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển. Các hội nghị APEC tổ chức hàng năm là dịp để các thành viên tiếp xúc, gặp gỡ song phương ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất, nhằm củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác trong khu vực, trong đó có nhiều đối tác hàng đầu. Đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC.

Đặc biệt, bên cạnh sự tham gia của các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viêncòn có sự góp mặt của lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực. Đây chính là điểm khác biệt của APEC so với hội nghị thượng đỉnh của các diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế khác, thể hiện sự gắn bó mật thiết của APEC với cộng đồng doanh nghiệp.

Việt Nam - Chủ nhà APEC 2017, thành viên có trách nhiệm

APEC 2017, Việt Nam chọn chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Theo chương trình nghị sự, lãnh đạo 21 nền kinh tế sẽ thảo luận và thông qua những kết quả hợp tác lớn đạt được trong suốt cả năm.

Với quy mô và tính chất hợp tác, APEC mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều đối tượng thụ hưởng, từ doanh nghiệp, người dân đến các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, tại TLCC Apec 2017, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi, thảo luận các biện pháp, định hướng Diễn đàn Kinh tế APEC trong những năm tiếp theo nhằm tiếp tục giữ đà hợp tác, liên kết của diễn đàn, góp phần thể hiện tầm vóc APEC đi đầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, ngày càng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Điều đó thể hiện trong bài viết "APEC Việt Nam 2017 - Vun đắp tương lai chung trong một thế giới đang chuyển đổi", Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động và một châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động, APEC đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi, cũng như phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới.

“Trên cương vị chủ nhà APEC 2017, Việt Nam có trọng trách cùng các thành viên biến quyết tâm của các nhà lãnh đạo APEC thành những kết quả cụ thể, đưa APEC đến gần hơn với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, qua đó hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ XXI”.

Chủ tịch nước cho biết thêm, bước vào giai đoạn đổi mới đồng bộ và toàn diện, với việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017, Việt Nam mong muốn tiếp tục khẳng định chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, phấn đấu cùng các nền kinh tế thành viên vun đắp cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Nói về việc Việt Nam chọn chủ đề APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, theo Giáo sư Guillermo Perez Cena, thành viên Hiệp hội Hợp tác và hội nhập châu Á - châu Mỹ: “Việt Nam đã đưa ra chính sách đối ngoại hướng tới việc quốc tế hóa hoàn toàn”. Cụ thể, theo Giáo sư Cena, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 6-6,5% mỗi năm và Việt Nam đang theo đuổi một chính sách đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế. Việt Nam là quốc gia vô cùng thân thiện và luôn có sự đóng góp cũng như tham gia tích cực, một thành viên có trách nhiệm của APEC.

Được biết, TLCC APEC Đà Nẵng 2017TLCC APEC, có sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC với các bài phát biểu quan trọng, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong TLCC, sẽ có 8 sự kiện chính - do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì và nhiều hoạt động bên lề. Cụ thể, sau Hội nghị tổng kết quan chức cao cấp (CSOM) diễn ra trong 2 ngày 6-7/11; ngày 7/11, diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam.

Ngày 8/11, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM). Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC sẽ diễn ra trong 3 ngày 8-9/11, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tiếp đó, ngày 10/11, là diễn đàn Đối thoại của các nhà lãnh đạo với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC; Đối thoại không chính thức với các nhà lãnh đạo ASEAN. Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC. Đỉnh điểm là ngày 10/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ chủ trì Lễ đón chính thức lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC và ngày 11/11, là Phiên họp của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và ra Tuyên bố chung Hội nghị APEC Việt Nam 2017 chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung”.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: “Tuần lễ Cấp cao APEC của chúng ta rất bận rộn, không nghỉ ngơi và rất thú vị. Điều quan trọng là mặc dù có nhiều khó khăn như vậy, nhưng chúng ta đã cố gắng có được nhiều kết quả quan trọng, duy trì động lực hợp tác, đạt được thống nhất trong hàng loạt vấn đề quan trọng, thúc đẩy ưu tiên hợp tác của năm nay, hỗ trợ các thành viên của APEC cùng phát triển”.

Trần Minh Tích

Bài liên quan

Tin mới

Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII
Phát động cuộc thi viết ‘Vượt lên số phận’ lần thứ VII

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tạp chí Thanh niên phối hợp cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát động cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần thứ VII.

5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?
5 con sông dài nhất - chảy trên lãnh thổ Việt Nam, có thể bạn chưa biết?

Việt Nam có mạng lưới sông suối dày đặc, trong đó có nhiều con sông lớn, là nguồn tài nguyên quan trọng...

Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu
Xử phạt vi phạm hành chính 23,5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu

Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Thái Bình, Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 23.5 triệu đồng và tịch thu 25 chiếc máy làm khô quần áo nhập lậu.

Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024
Hải Phòng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024

Vừa qua, UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành quyết định số 1325/QĐ-UBND quyết định về việc kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đợt “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”.

Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố
Nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố

Địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật do buông lỏng quản lý, chủ quan, thiếu trách nhiệm thì Chủ tịch UBND quận, huyện nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố….

Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Quảng Ninh: Thu giữ hơn 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 24/4/2024, Đội QLTT số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chủ trì phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an kiểm tra, bắt giữ 10.250 con vịt giống (khoảng 2-4 ngày tuổi) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.