THCL - Sáng 2/3, Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC 2017) đã khai mạc tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa).
Thứ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì phiên khai mạc SOM 1 - Ảnh: TR.TÂN
Trước đó, từ ngày 18/2, nhiều nhóm công tác đã tổ chức gần 50 cuộc họp, thảo luận các vấn đề về thương mại tự do, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, APEC với 21 nền kinh tế thành viên đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn chậm, còn đó những lo ngại.
“Các nền kinh tế thành viên APEC cũng đang phải đối mặt với lo ngại rằng lợi ích của toàn cầu hóa không được phân bổ một cách đồng đều và công bằng. Nhưng đây vẫn là khu vực tạo động lực của tăng trưởng kinh tế và hội nhập. Là khu vực đi đầu trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư”, ông Sơn nói.
Đại diện Việt Nam, ông Sơn cho rằng APEC “có đầy đủ các nguồn lực, tiềm năng và khả năng để vượt qua thách thức này”.
“APEC sẽ biến khó khăn, thách thức, thành động lực cho tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ hơn. Sẽ tiếp tục tiến lên phía trước trên con đường phát triển và thịnh vượng”, ông Sơn tin tưởng.
Các quan chức ngoại giao của 21 nền kinh tế APEC chụp hình lưu niệm sau phiên khai mạc sáng 2/3 - Ảnh: TR.TÂN
Theo ông Sơn, SOM 1 là chuỗi các cuộc họp, hội thảo, thảo luận đầu tiên và lớn nhất trong năm với nhiều cuộc họp liên quan đã diễn ra từ 18-2 đến 3-3 nhằm thống nhất chủ đề và các ưu tiên cho Năm APEC 2017.
Trên cơ sở đó, các ủy ban của APEC xây dựng kế hoạch hành động cả năm và thảo luận một số sáng kiến để thúc đẩy chương trình hành động của APEC.
Ban thư ký APEC quốc tế sẽ tổ chức cuộc họp báo để thông tin về các vấn đề đã thảo luận trong 12 ngày làm việc vừa qua…
27 năm kết nối, để cùng thịnh vượng Được hình thành vào 1989, APEC dần khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, tổ chức này luôn bàn luận những vấn đề phi chính trị và tập trung vào ba trụ cột hợp tác chính: tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế - kỹ thuật. Theo ban thư ký APEC, đến nay tổ chức này đã trải qua bốn lần mở rộng và hiện có 21 nền kinh tế thành viên, hội tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 11-2016, APEC đại diện khoảng 39% dân số, chiếm 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu. Đây là diễn đàn mở, hoạt động theo nguyên tắc cùng lợi, đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc… Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc tăng cường kết nối trong APEC sẽ góp phần tạo những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển bao trùm và gắn kết. Điều này sẽ giúp các nền kinh tế APEC xích lại gần nhau và ngày một thịnh vượng hơn. |
Tr.Tân - tuoitre.vn