Thông tin về mô hình quỹ đầu tư Trung Đông, cơ hội, thách thức đối với Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng cho biết, với nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ, nhiều quốc gia tại khu vực Trung Đông coi các quỹ đầu tư công là một trong những công cụ quan trọng để vươn ra toàn cầu cũng như phát huy vai trò, vị thế ở khu vực và quốc tế.
Riêng các nước vùng Vịnh đang có một số quỹ đầu tư công, gồm: Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi (ADIA) của UAE; Cơ quan Đầu tư Kuwait (KIA) của Kuwait; Quỹ đầu tư công (PIF) của Saudi Arabia; Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) của Qatar...
Nhận định về cơ hội mà Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực từ các quỹ đầu tư Trung Đông này, người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam tại Saudi Arabia chỉ ra ba điểm thuận: Thứ nhất, các quỹ này đã và đang có kế hoạch đa dạng hóa địa điểm đầu tư, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như: Châu Âu và Mỹ mà còn dần mở rộng ra các khu vực khác, trong đó có Châu Á; Thứ hai, các quỹ đầu tư công tại vùng Vịnh đang để ý nhiều hơn tới các nước mới nổi, vì tin rằng có thể mang lại lợi nhuận cao hơn so với các khoản đầu tư an toàn truyền thống tại Châu Âu và Mỹ; Thứ ba, các quỹ đầu tư Trung Đông hiện có xu hướng đa dạng hoá danh mục đầu tư, không chỉ tập trung vào các khoản đầu tư truyền thống như trái phiếu, bất động sản… mà còn hướng tới các lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, fintech và đặc biệt là blockchain.
Đại sứ Đặng Xuân Dũng nhấn mạnh, kèm theo cơ hội là những thách thức. Thứ nhất, các quỹ đầu tư Trung Đông hiện dành nhiều vốn vào phát triển các dự án trong nước, chỉ một phần không lớn trong số vốn của họ được đầu tư ra nước ngoài (như PIF chỉ khoảng 15-20%); Thứ hai, Châu Á vẫn chưa là thị trường đầu tư trọng tâm của các quỹ này. Nếu nhìn vào Châu Á thì hiện nay vốn đầu tư của các quỹ này tập trung nhiều hơn vào Đông Bắc Á -Trung Quốc;
Thứ ba, ngay tại khu vực Đông Nam Á, ta phải cạnh tranh với các nước láng giềng như: Malaysia, Singapore, Indonesia… trong việc lôi kéo sự quan tâm của các các quốc gia dầu mỏ Trung Đông.
Thứ tư, là yếu tố chủ quan, các doanh nghiệp của ta dường như chưa chủ động tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư vùng Vịnh, chưa tập trung nghiên cứu về đặc thù của các quỹ đầu tư này, hoặc chưa khảo sát thị trường và xây dựng các kế hoạch thu hút vốn một cách bài bản, đủ thuyết phục để họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư.
Để thu hút sự quan tâm thực sự của các quỹ đầu tư Trung Đông, Đại sứ Đặng Xuân Dũng đề xuất 03 kiến nghị:
Về khung pháp lý, cần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư với các nước tại khu vực để các quỹ đầu tư Trung Đông thêm tin tưởng và mạnh dạn đầu tư. Ví dụ như với Saudi Arabia, Việt Nam cần sớm có Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương.
Các Bộ ngành liên quan cần có nhiều hơn các nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá đúng về nguồn lực thực sự cũng như tiềm năng của các quỹ đầu tư công tại khu vực Trung Đông, nắm chắc những nét đặc thù của họ để thu hút hiệu quả nguồn vốn từ khu vực cho những dự án ta cần và họ cũng thấy xứng tầm.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc lập chiến lược thu hút vốn bài bản với những dự án phù hợp dành riêng cho các nhà đầu tư khu vực vùng Vịnh thay vì chỉ kêu gọi vốn qua các dự án chung chung, không đáp ứng được yêu cầu hết sức cụ thể của đối tác tiềm năng.
“Đại sứ quán tại khu vực Trung Đông luôn đồng hành và hỗ trợ hết mình các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch sang tìm hiểu, khảo sát thị trường và tiếp cận các quỹ đầu tư tại khu vực”, Đại sứ Đặng Xuân Dũng khẳng định.
Hải Dương (t/h)