Theo các hộ dân nơi đây, con đường dẫn vào khu này đã có từ lâu và được thể hiện trong bản đồ địa chính của xã Long Phước cũng như của TP Bà Rịa. Từ tháng 10/2017 đến nay, Công ty CP khoáng sản Vũng Tàu đã phá hủy con đường này làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Ông Trần Văn Cường cho biết con đường duy nhất dẫn vào các hộ dân đã bị đào xới nham nhở, rất nhiều người đã bị té ngã khi cố gắng chạy xe máy đi qua. "Con dâu tôi khi đi khám thai thì vấp phải đá, ngã xuống giờ vẫn nhập viện. Chúng tôi phải đi nhờ vào vườn tiêu của người khác nhưng không phải lúc nào cũng nhờ được. Khi nắng đến thì đường đầy bụi, mưa xuống thì trơn trợt không thể bước chân ra khỏi nhà", ông Cường bức xúc.
Ông Nguyễn Viết Thụ, tổ trưởng tổ 1, ấp Phong Phú cho hay UBND xã Long Phước cũng đã nhiều lần làm việc với người dân, phía công ty cũng hứa sẽ giải quyết nhưng nhiều tháng trôi qua, mùa mưa đến mà người dân vẫn chưa có đường để đi. "Nếu công ty lấy của dân con đường này thì nên trả lại cho dân con đường khác, chúng tôi không đòi hỏi đường nhựa nhưng phải vận chuyển được nông sản và quan trọng hơn là để các cháu đi học, đi chữa bệnh dễ dàng", ông Thụ đề nghị.
Đây là mỏ khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần khoáng sản Vũng Tàu do bà Đàm Thị Hồng Huệ làm đại diện, có giấy phép khai thác từ năm 1996 nhưng sau thời gian giải quyết với các cổ đông, mỏ mới hoạt động trở lại với diện tích khai thác hơn 48ha. Con đường đất nằm giữa mỏ và nằm trong diện tích được cấp phép nên Công ty đã cho công nhân khai thác để lấy đất, đá.
Nhận được thông tin phản ánh của người dân, ngày 22/5, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp cùng Phòng TN&MT TP Bà Rịa đã xuống khảo sát mỏ khai thác và làm việc với người dân cũng như đại diện của công ty.
Sau khi nghe người dân trình bày những bức xúc, bà Huệ hứa trước mắt sẽ cải tạo lại con đường cũ cho bằng phẳng hơn để người dân đi lại, tuy nhiên các hộ dân đã yêu cầu công ty phải làm một con đường mới đi ven theo khu mỏ chứ không đâm vào giữa mỏ và cần phải làm gấp khi mùa mưa đang đến, còn con đường cũ đã bị đào sâu, không thể phục hồi. Bà Huệ cũng đồng ý với yêu cầu trên, tuy nhiên phải có thời gian để các cổ đông họp lại và đưa ra phương án thích hợp.
Ngày 28/5, Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Bà Rịa cử người xuống khảo sát địa điạ điểm phối hợp với công ty để giải quyết cho người dân.
Diệu Dương/Theo NLD