Tham dự và chủ trì hội nghị có ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước -Chi nhánh tỉnh cùng đại diện hơn 40 Chi nhánh ngân hàng thương mại, các tổ chức quỹ tín dụng, quỹ đầu tư trên địa bàn và gần 100 doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương.
Tỉnh BR-VT hiện có 44 chi nhánh ngân hàng thương mại, 7 quỹ tín dụng nhân dân với hàng trăm phòng giao dịch và chi nhánh cấp hai phủ rộng toàn tỉnh. Theo kết quả hoạt động tín dụng mà Ngân hành Nhà nước - Chi nhánh BR-VT thông tin tại hội nghị: Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2023 đạt gần 166 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 13 ngàn tỷ đồng (tăng 8,6%) so với cuối năm 2022, trong đó nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,2% tổng dư nợ; nhóm ngành công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 20%; nhóm ngành bất động sản chiếm khoảng 26,5%; nhóm ngành thương mại, dịch vụ chiếm khoảng hơn 45% tổng dư nợ. dư nợ tất cả đều tăng từ 4% đến 12% so với cuối năm trước đó.
Tính đến cuối tháng 2/2024, tại BR-VT, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng 01/2024.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cũng khẳng định, sự tăng trưởng kinh tế trên địa bàn trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng. Với vai trò kênh dẫn vốn, toàn hệ thống ngân hàng thương mại đã kịp thời cung ứng trên 220.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh đủ điều kiện …
Tuy nhiên tại hội nghị kết nối, các doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ vẫn rất “khát vốn” nhưng việc tiếp cận vốn vay còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ , thủ tục xét duyệt rườm rà, thời gian phê duyệt kéo dài; quy trình vay, khâu thẩm định, quy định về tài sản đảm bảo vẫn là rào cản chủ yếu.
Ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ BR-VT cho hay “Ngân hàng thường quan tâm đến tài sản đảm bảo là bất động sản mà ít quan tâm đến các tài sản khác như cổ phiếu, máy móc thiết bị, tài sản hình thành trong tương lai nên các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn; quy trình thẩm định cấp tín dụng kéo dài, có khi lên đến 2-3 tháng, khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, chậm triển khai dự án, ảnh hưởng đến tạo việc làm cho xã hội, cải thiện năng lực cạnh tranh. Lãi suất cho vay mặc dù được kéo giảm nhưng lãi suất cho vay trung dài hạn vẫn còn cao so với một số nước trong khu vực và trên thế giới…
Cùng chung vấn đề, ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh BR-VT cũng cho biết: Nhiều doanh nghiệp phản ánh thủ tục, thời gian để được vay vốn chưa đơn giản và chậm, làm lỡ kế hoạch và đơn hàng sản xuất. Tài sản đảm bảo vay nhất là đất nông nghiệp thường bị định giá thấp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay…
Nhiều kiến nghị và giải pháp được các doanh nghiệp nêu lên, trong đó phần lớn kiến nghị đề cập, cần cải tiến quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình phê duyệt, rút ngắn thời gian xét cấp vốn vay; Có thêm nguồn vốn vay ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất thế mạnh của từng địa phương, địa bàn; Gia tăng hạn mức và giá trị thẩm định tài sản cũng như bổ sung loại hình tài sản đảm bảo khác ngoài bất động sản; Tiếp tục có chính sách hạ lãi suất để kích cầu nền kinh tế; Thường xuyên có các chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng, giới thiệu, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đặc biệt, định hướng kinh tế vĩ mô, phân tích, dự báo tình hình trong nước và quốc tế…
Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước -Chi nhánh tỉnh BR-VT ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, chỉ đạo, điều hành nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị, đề xuất đến cơ quan quản lý cấp trên đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
Thanh Huyền