Nguy cơ rủi ro cao
Vài tháng nay, thị trường đất nền ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bỗng trở nên sôi động. Các nhà đầu tư từ TP.HCM và các tỉnh lân cận nườm nượp đổ về xem đất.
Cảnh mua bán tập nập khác hẳn với nhịp sống thường nhật của người dân nơi thủ phủ muối vùng Đông Nam bộ này. Giá đất cũng vì vậy liên tục đẩy lên cao, dự án phân lô bán nền mọc lên như nấm sau mưa.
Những đồng lúa và ruộng muối phải nhường chỗ cho dự án đất nền...
Dọc hai bên đường Tỉnh lộ 44 có gần chục khu đất đang được rào tôn, treo nhan nhản bảng quảng cáo. Bên trong các khu đất, hoạt động san lấp mặt bằng đang diễn ra ráo riết.
Đến khu đất được giới thiệu là dự án Golden Central Park do Công ty TNHH BĐS Vincomreal và Công ty TNHH đầu tư BĐS Phúc Điền hợp tác phát triển, chúng tôi được H, nhân viên bán hàng chào mời: Giá ở đây chỉ 6,8 triệu đồng/m2, tụi em đảm bảo rẻ nhất khu vực. Anh chỉ cần đặt cọc 30 triệu đồng/nền, sau 7 ngày công ty sẽ ký hợp đồng mua bán".
“Dự án có 100 nền nhưng tụi em đã bán gần hết, chỉ còn lại 7 – 8 nền ở vị trí phía trong. Nếu anh mua bên em cam kết 1 tháng sau sẽ ra sổ đỏ, sang tên hẳn hoi”, H. nói chắc. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được xem pháp lý khu đất thì nhân viên này cho biết không mang theo (!?)...
Theo kết quả kiểm tra của Sở xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại thành phố Bà Rịa có 1 tổ chức và 7 cá nhân đầu tư cơ sở HTKT với diện tích các khu đất phân lô từ 8.690,0m2 đến 38.250,1m2; tại huyện Châu Đức có 1 tổ chức đầu tư cơ sở HTKT với diện tích khoảng 9.923m2 tại xã Đá Bạc; tại huyện Xuyên Mộc có 3 cá nhân với diện tích các khu đất phân lô từ 13.269m2 đến 32.000m2.
Ngoài ra, Sở Xây dựng, các sở, ngành và địa phương liên quan cũng đã tiến hành thanh tra, rà soát toàn diện về cơ sở pháp lý và các vấn đề liên quan đến các dự án. Kết quả có 17 trường hợp đã có chủ trương chấp thuận đầu tư của huyện, trong đó có 7 trường hợp đã có giấy phép xây dựng và 10 trường hợp đã có văn bản chấp thuận thi công; 13 trường hợp đang xem xét, khảo sát.
Báo cáo của Sở Xây dựng cho biết, đối với các “dự án” của cá nhân, đa phần là tự tổ chức đầu tư xây dựng HTKT làm cơ sở để phân lô theo quy định tại Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh và sau đó chuyển nhượng đất. Tuy nhiên, trình tự và thủ tục pháp lý đầu tư HTKT chưa đảm bảo theo quy định, gây rủi ro cho khách hàng.
Cùng với việc kiểm tra các dự án phân lô bán nền, mới đây Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với 18 dự án đầu tư chậm tiến độ.
Đó là các dự án Khu biệt thự Ngân Sơn (7,27ha) do Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Ngân Sơn đầu tư; khu du lịch liên hợp resort thể thao Bình Châu (13,1ha), CTCP Đầu tư xây dựng và sản xuất Tân Thành đầu tư; khu biệt thự Ngân Hiệp (2,52ha), CTCP địa ốc Ngân Hiệp đầu tư; khách sạn cao cấp 18 tầng số 28 Thùy Vân (800m2), TP Vũng Tàu, CTCP Đầu tư xây dựng và sản xuất Tân Thành đầu tư; khu hậu cần bến bãi Đức Bình (41,4ha), CTCP Tập đoàn Đức Bình đầu tư; khu căn cứ du lịch dịch vụ hàng hải Bàn Thạch (24,4ha), CTCP du lịch dịch vụ hàng hải Bàn Thạch đầu tư…
Cơ quan thanh tra cũng đề nghị xem xét xử lý, đề nghị thu hồi chủ trương đầu tư nhiều dự án: Khu du lịch Ngân Sơn - Hồ Tràm; cảng quốc tế Sao Biển; khu hậu cần bến bãi Đức Bình; khu du lịch Trung Sơn; dự án One Opera Complex; trung tâm đào tạo thực hành của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Thận trọng trước khi “xuống tiền”
Trước tình trạng phân lô bán nền, "sáng tác" tên dự án tràn lan tại xã An Ngãi, ông Lê Công Hải, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng UBND huyện Long Điền cho biết, khu vực dọc tỉnh lộ 44 được quy hoạch là khu dân cư từ năm 2007. Giao dịch đất nền nhiều năm qua rất trầm lắng, nhưng từ năm 2017 đến nay, khu vực này bỗng trở thành điểm nóng.
Khu đất ruộng lúa đang được san lấp để phân lô bán nền
Theo ông Hải, qua kiểm tra, huyện phát hiện có tình trạng một số công ty địa ốc rao bán đất nền phân lô khi chưa xây dựng xong hạ tầng, tự đặt tên dự án. Do đó, huyện đã yêu cầu tháo dỡ các bảng quảng cáo sai sự thật.
Ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn - Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thừa nhận đang có làn sóng đầu tư vào bất động sản Vũng Tàu. Bởi theo ông Tuấn, trong số hơn 12.000 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh mà Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương giải quyết trong 3 tháng đầu năm thì chỉ có 40-50% người có nhu cầu ở thực sự, còn lại là đầu cơ.
Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc quản lý tách thửa đất trong thời gian qua bộc lộ nhiều kẽ hở dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan. Do đó, Chủ tịch tỉnh đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục kiểm tra, đánh giá tổng thể các dự án phân lô bán nền trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh.
Trước mắt, yêu cầu trưởng các phòng chuyên môn, giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tạm ngưng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tách thửa, san lấp mặt bằng, phân lô bán nền trên địa bàn kể từ ngày 15/8/2018. Về lâu dài các sở, ngành, địa phương cần đóng góp ý kiến và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về tách thửa đất, cho phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế của địa phương.
Ở khía cạnh khác, các chuyên gia bất động sản cho rằng tình trạng đầu cơ, thổi giá trên địa bàn tỉnh là có thật, trong khi quy hoạch chưa rõ ràng, do đó người dân phải cân nhắc trước khi xuống tiền bằng cách tìm hiểu kỹ và so sánh với giá đất Nhà nước công bố tại khu vực đó bởi giá thị trường hiện nay không phải là giá trị thực. Hơn nữa, nếu muốn đầu tư thì phải tìm hiểu tính pháp lý của thửa đất như nguồn gốc, giấy tờ, quy hoạch.
“Các thông tin quy hoạch đều được công khai, người dân nên đến các trung tâm quy hoạch ở địa phương để hỏi thông tin cụ thể. Trường hợp còn thắc mắc thì có thể đến các cơ quan chức năng để được trả lời bằng văn bản, tránh nghe các thông tin sai lệch từ “cò” đất” – một chuyên gia cho biết.
Hải Đăng