Xin bà cho biết, những quy định, quy chuẩn chung liên quan sản phẩm TPCN?
TPCN là một loại thực phẩm đặc thù và mới được phát triển trong những năm gần đây. Thế giới hiện chưa có phương thức quản lý thống nhất đối với nhóm sản phẩm thực phẩm này.
Tại Việt Nam, từ năm 2004, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 08/2004/TT-BYT hướng dẫn quản lý TPCN. Cho đến nay, văn bản quản lý TPCN đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế quản lý mặt hàng này ở trong nước cũng như trên thế giới.
Cụ thể, năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2014/TT-BYT (thay thế thông tư số 08/2004/TT-BYT), quy định về quản lý TPCN. Văn bản này, đã quy định đầy đủ các nội dung quản lý sản phẩm TPCN như vấn đề về công bố, ghi nhãn, kiểm nghiệm, điều kiện sản xuất, quảng cáo…
Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)
Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Văn bản này, cũng bổ sung thêm một số quy định khác về việc quản lý TPCN: Quy định từ ngày 1/7/2019, các sản phẩm TPCN/thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước và nhập khẩu phải được sản xuất tại cơ sở được chứng nhận GMP.
Như vậy, cho đến nay, hệ thống pháp luật về quản lý TPCN đã tương đối đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Việt Nam tham gia tích cực hoạt động hài hòa tiêu chuẩn, quy định thực phẩm bảo vệ sức khỏe của ASEAN, là thành viên của TMHS (Traditional Medicine & Health Supplement) của ASEAN, đồng thời chủ trì nhiều phiên họp của ASEAN về vấn đề này. Các quy định của Việt Nam liên quan đến các mức giới hạn vitamin, khoáng chất... GMP đều đã được hài hòa ASEAN và Việt Nam là nước đầu điên áp dụng các quy định này trong khối ASEAN.
Nhiều ý kiến cho rằng, quản lý nhà nước đang lỏng lẻo từ khâu dược liệu đầu vào, công bố kết quả kiểm định TPCN của DN có tiêu cực dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm TPCN lưu hành trên thị trường không đảm bảo chất lượng. Bà nhận định thế nào về vấn đề này?
Ngày 2/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP), quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn toàn thực phẩm. Đây là bước cải cách hành chính quan trọng, đã thay đổi căn bản về phương thức và việc phân cấp quản lý về lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo đó, tất cả sản phẩm thực phẩm thường, thực phẩm bổ sung, đều do DN tự công bố, riêng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe thực hiện việc đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định tại Điều 7 - Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Theo đó, khi đăng ký công bố TPCN - thực phẩm bảo vệ sức khỏe, DN phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ, không phải kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn (vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng).
Các biện pháp quản lý TPCN sau công bố: Thanh tra, kiểm tra giám sát việc hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ sở, lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng và an toàn đối với sản phẩm.
Năm 2018, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai 19 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm theo kế hoạch và 21 đoàn kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý; thực hiện công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị về an toàn thực phẩm. Trên cơ sở đó, xem xét, xác minh, xử lý các DN, đơn vị có sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đạt yêu cầu chất lượng, có chứa sibutramin, sildenafil... theo báo cáo giám sát mẫu sản phẩm trên thị trường của các viện kiểm nghiệm và các địa phương.
Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt vi phạm hành chính 113 cơ sở với 170 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 6.086.368.013 đồng. So 2017, số cơ sở xử phạt năm 2018 tăng hơn 2 lần, số tiền xử phạt tăng hơn 3 lần.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở bán thuốc
Không ít DN đưa phương thức tư vấn qua điện thoại, mạng xã hội để “bắt bệnh” và bán sản phẩm TPCN vô tội vạ?
Đó là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo TPCN/thực phẩm bảo vệ sức khỏe - quy định rõ tại Điều 27 - Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Căn cứ từng trường hợp cụ thể, hành vi vi phạm, sẽ áp mức xử phạt vi phạm hành chính, buộc tổ chức/cá nhân vi phạm quảng cáo phải dừng quảng cáo vi phạm, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo, buộc cải chính thông tin sai phạm đó.
Nhiều website, mạng xã hội (zalo, facebook…) quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, sai phạm đã bị xử phạt, yêu cầu gỡ nội dung nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo. Cục An toàn thực phẩm có phương án xử lý ra sao để chấm dứt tình trạng này?
Thưc tế, ngày càng có nhiều trường hợp vi phạm quảng cáo khác nhau trên Internet, zalo, facebook,… Cục An toàn thực phẩm đã rất nỗ lực phối hợp với các cơ quan quản lý xác minh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với các vi phạm xác định được chính chủ (đối tượng vi phạm quảng cáo là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm): Cục sẽ lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định hiện hành và công khai thông tin trên website của Cục An toàn thực phẩm: www.vfa.gov.vn Buộc tổ chức/cá nhân vi phạm quảng cáo phải dừng quảng cáo vi phạm, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo, buộc cải chính thông tin sai phạm đó.
Nếu các DN, đơn vị cố tình tiếp tục vi phạm quảng cáo, sẽ bị xử lý có tình tiết tăng nặng theo quy định pháp luật. Những DN, đơn vị cố tình vi phạm, Cục thành lập đoàn thanh kiểm tra toàn diện đột xuất tại DN, đơn vị đó để đánh giá mức độ chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đồng thời tiến hành xử lý theo luật định, buộc các tổ chức, các nhân tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm có những biện pháp nào khác ngoài thanh tra, kiểm tra và kiến nghị xử lý?
Cục An toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra hoạt động quảng cáo và sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý theo chức năng, nhiệm vụ để thực hiện tốt công tác quản lý quảng cáo TPCN. Cụ thể, đề nghị Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông): Chỉ đạo các cơ quan phát hành quảng cáo kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo, trước khi phát sóng hoặc đăng tin bài (lưu ý kiểm soát cả giấy xác nhận nội dung quảng cáo và mẫu quảng cáo đi kèm).
Nghiên cứu bổ sung các biện pháp nhằm ngăn chặn việc quảng cáo vi phạm trên các trang mạng xã hội như Youtube, facebook, zalo, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ quan phát hành quảng cáo, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm; đề nghị các địa phương phối hợp nghiêm túc, chặt chẽ và có phản hồi đối với các trường hợp đã xử lý vi phạm...
Trân trọng cảm ơn bà!
Trang Nguyễn (Thực hiện)