Trụ sở Công an thị trấn Tây Yên Tử bị tốc mái.
Trụ sở Công an thị trấn Tây Yên Tử bị tốc mái.

Huyện Sơn Động là địa bàn bị thiệt hại nặng nề. Đến 21h ngày 7/9, số cơ quan, đơn vị, trường học và nhà dân bị hư hại do bão gây ra đã tăng lên gần 300. Toàn huyện có hơn 750 ha lúa và hoa màu; hơn 2.400 ha keo, bạch đàn bị gãy đổ; 13 cột điện đổ gây mất điện cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn.

Huyện Lục Nam có 4 nhà lưới sản xuất rau an toàn của nông dân xã Đông Phú (1 nhà), xã Tam Dị (2 nhà), thị trấn Đồi Ngô (1 nhà) bị tốc mái, gãy, đổ khung nhà. Tính đến 6 giờ sáng 8/9, toàn huyện có tổng số 225 nhà ở, công trình bị đổ, tốc mái. Trong đó, có 155 nhà dân bị tốc mái, tập trung ở một số xã: Vô Tranh, Khám Lạng, Tiên Nha, Đông Phú... và 4 trường học bị sập nhà đa năng, tốc mái.

Toàn huyện có 37 cột điện bị đổ; hơn 100 ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng, chủ yếu là diện tích rừng trồng keo, bạch đàn; 40 ha lúa bị đổ, ngập; 1,2 ha hoa màu và 3,1 ha cây cảnh bị ảnh hưởng bởi bão.

Để phòng tránh nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở khu vực núi cao, huyện Lục Ngạn đã di dời 27 hộ dân ở các xã Sa Lý và Phì Điền đến nơi tránh trú an toàn. Sơn Động di dời 148 hộ ở các xã: An Lạc, Hữu Sản, Vĩnh An, Tuấn Đạo, thị trấn Tây Yên Tử... ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Tại huyện Hiệp Hòa, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh đã khiến hơn 300 cây xanh bị gãy, đổ; 8 công trình nhà ở của người dân và Trường THCS Lương Phong bị bật mái. Chính quyền địa phương xác nhận chưa có hiện tượng lúa bị ngập úng cục bộ, tuy nhiên có 950 ha lúa và hóa màu bị đổ. 

Tại huyện Yên Thế, tính đến 7 giờ sáng 8/9, bão số 3 làm tốc 108 mái nhà, công trình phụ trợ của các hộ dân thuộc các xã: Hương Vĩ, Hồng Kỳ, Tam Tiến, Đồng Kỳ, Tân Sỏi, Đồng Tâm, thị trấn Bố Hạ...

Lực lượng dân quân huyện Yên Thế hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do bão số 3.
Lực lượng dân quân huyện Yên Thế hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do bão số 3.

Bão số 3 cũng làm tốc toàn bộ mái khu chợ của Hợp tác xã Hải An, thị trấn Bố Hạ, 3 mái vòm nhà văn hóa thôn thuộc các xã: Hương Vĩ, Đồng Tâm. Hiện các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả.

Về sản xuất nông, lâm nghiệp, mưa bão làm đổ 250 ha lúa, 60 ha ngô tại các xã: Tân Sỏi, Đồng Kỳ, Tân Hiệp, thị trấn Phồn Xương…; 300 ha keo, bạch đàn từ 1-3 năm tuổi tại các xã: Xuân Lương, Tân Sỏi, Đồng Hưu... bị đổ, gãy; hư hỏng chuồng trại chăn nuôi của 17 hộ tại các xã: Hương Vĩ, Tam Tiến, Đồng Tâm, Tam Tiến.

Tại huyện Tân Yên có 19 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở, 4 hộ phải di dời đến nơi an toàn. 35 công trình bị tốc mái, 296m tường rào, 6 cột điện đổ. Diện tích lúa đã trỗ bị đổ là 1.945 ha; 48,7 ha hoa màu bị đổ. 186 cây ăn quả gãy cành, bật gốc, 8.200 cây bạch đàn 2 năm tuổi đổ.

Lực lượng chức năng huyện Tân Yên thu dọn cây bị đổ trên đường Hoàng Hoa Thám, thị trấn Cao Thượng.
Lực lượng chức năng huyện Tân Yên thu dọn cây bị đổ trên đường Hoàng Hoa Thám, thị trấn Cao Thượng.

Tại TP. Bắc Giang, nhiều cây xanh gãy, đổ, mái tôn hư hỏng. Đến sáng 7/9, các cơ quan chuyên môn phối hợp với các phường, xã tập trung khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn cho người dân. Do chủ động các phương án bơm tiêu, hiện trên địa bàn TP không có điểm ngập sâu. 

Tại huyện Yên Dũng, do ảnh hưởng của cơn bão số 3,  tính đến 6 giờ sáng ngày 8/9, toàn huyện có tổng số 225 nhà ở, công trình bị đổ, tốc mái. Trong đó, có 155 nhà dân bị tốc mái, tập trung ở một số xã: Vô Tranh, Khám Lạng, Tiên Nha, Đông Phú... và 4 trường học bị sập nhà đa năng, tốc mái. 

Toàn huyện có 37 cột điện bị đổ; 17.700 m2 nhà lưới bị tốc mái, đổ;  hơn 100 ha diện tích cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng, chủ yếu là diện tích rừng trồng keo, bạch đàn; 40ha lúa bị đổ, ngập; 1,2 ha hoa màu và 3,1 ha cây cảnh bị ảnh hưởng bởi bão.

Đáng chú ý là 95 ha lúa và hoa màu ở hầu hết các xã, thị trấn đều bị ảnh hưởng, trong đó có 50 ha dưa hấu ở xã Đồng Việt thiệt hại rất nặng. Riêng HTX Rau sạch Tiến Dũng (Yên Dũng) thiệt hại nặng nhất. Cụ thể là 4.000 m2 nhà trồng gãy sập hỏng hoàn toàn, 15 nhà màng rách và nát mái, bị tốc hoàn toàn 3 ha nhà kính. 20 tấn dưa lưới đang thu hoạch bị hỏng vỡ nát, 5 ha hoa màu trong nhà kính đang thụ phấn và đang nuôi quả hư hỏng toàn bộ... Tổng thiệt hại toàn huyện Yên Dũng ước tính hơn 8 tỷ đồng.

Về các công trình thủy lợi, kênh G8 do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương quản lý bị tường nhà dân đổ vào lòng kênh 20 m; một số trạm bơm bị tốc mái.

Xuất hiện hiện tượng sạt lở đất tại vị trí Km11 trên tuyến đường đang thi công trình từ xã Đông Sơn (Yên Thế) hướng đi Trường Cao đẳng Nghề Đông Bắc, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Quốc lộ 31, đoạn qua thị trấn An Châu (Sơn Động) ngập sâu.
Quốc lộ 31, đoạn qua thị trấn An Châu (Sơn Động) ngập sâu.

Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ người dân sơ tán đến khu vực an toàn; chặt, tỉa cây đổ gãy trên đường giúp các phương tiện lưu thông. Tại các điểm nhà văn hóa, trạm y tế nơi người dân sơ tán đều có lực lượng chức năng địa phương hỗ trợ nước uống, lương thực, chăn, màn...

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Giang, tối 7/9, hướng đi của bão số 3 qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh rồi di chuyển sang phía Tây Bắc Bộ. Tỉnh Bắc Giang ở phía Bắc đường đi của bão và nằm trong hoàn lưu của bão gây mưa to đến rất to. Hiện nước lũ trên sông Lục Nam đang lên rất nhanh, tại Trạm Thủy văn Cẩm Đàn là 46,5m, trên mức báo động 3; tại Trạm Thủy văn thị trấn Chũ là 11 m, trên báo động số 1. Trên sông Thương, nước lũ ở trên báo động.

Dự báo mưa còn tiếp tục duy trì đến hết trưa 8/9 sau đó giảm, sức gió yếu dần. Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh tiếp tục yêu cầu Ban Chỉ huy các huyện, thị xã, TP. trực ban nghiêm túc, khẩn trương chỉ đạo, tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. 

Bá Đoàn