Đầu tư hạ tầng
Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Đặc biệt là Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6) xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư là nhiệm vụ quan trọng. Tiểu dự án đặt mục tiêu bảo đảm 100% xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở các khu vực này.
Thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh Bắc Giang tập trung nâng cấp hạ tầng thông tin; lắp đặt các trạm phát sóng và xóa điểm lõm sóng. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1,7 nghìn vị trí cột ăng ten thu phát sóng di động. Cùng đó, duy trì hoạt động của hơn 3,8 nghìn trạm thu phát sóng di động, bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; sóng di động 3G, 4G đã phủ sóng rộng rãi. Ngoài ra, các địa phương còn lắp đặt bảng điện tử, wifi miễn phí tại các điểm công cộng để phục vụ người dân.
Tại huyện Yên Thế, cấp ủy, chính quyền triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con tiếp cận thông tin, dịch vụ số. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lắp wifi tại nhà văn hóa trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 43 nhà văn hóa thôn, bản có wifi miễn phí để phục vụ nhu cầu truy cập Internet của người dân.
Lực lượng đoàn viên thanh niên được giao nhiệm vụ hỗ trợ bà con truy cập các dịch vụ công, tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt trên môi trường số. Bà Lê Thị Hảo ở xã Đồng Tiến cho biết: "Tại những buổi sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi cùng xem các chương trình hướng dẫn trồng rừng, chăn nuôi trên tivi hoặc điện thoại kết nối mạng wifi. Từ đó trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau”.
Còn tại huyện Hiệp Hòa, địa phương đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh thông minh. Được biết, hệ thống này giúp tiết kiệm chi phí trang bị máy phát sóng, cột ăng-ten, quỹ đất để lắp đặt cột ăng-ten. Việc phát sóng chỉ bằng các thao tác vận hành đơn giản ở phần mềm được cài đặt trên máy vi tính, điện thoại di động.
Năm 2024, huyện đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh tại hai xã: Danh Thắng, Thường Thắng. Đến nay, toàn huyện có 5 đài với 50 cụm điểm loa IP. Thời gian tới, huyện tiếp tục bố trí ngân sách (từ nguồn chuyển đổi số) hỗ trợ các xã còn lại từ 350-400 triệu đồng/xã; mỗi xã đối ứng từ 200-300 triệu đồng để phát triển hệ thống truyền thanh thông minh.
Từ năm 2023 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã lắp đặt 22 đài truyền thanh thông minh tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động và Lục Ngạn. Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây chuyển đổi sang truyền thanh thông minh.
Tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số
Không chỉ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, tỉnh Bắc Giang còn tập trung hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số để xây dựng công dân số. Toàn tỉnh đã thành lập 209/209 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 1.891/1.891 tổ cấp thôn với khoảng 16 nghìn thành viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng số. Qua đó giúp người dân, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống, cụ thể như cài đặt các ứng dụng định danh điện tử; bảo hiểm xã hội; sổ sức khỏe điện tử; tài khoản thanh toán qua Internet; thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Các trang thông tin điện tử; phương tiện thông tin đại chúng, nhóm zalo cộng đồng cũng phát huy hiệu quả tích cực trong truyền thông chính sách giảm nghèo, mô hình sản xuất hiệu quả, những tấm gương vượt khó thoát nghèo. Qua đó giúp họ chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo, từng bước hòa nhịp CĐS quốc gia.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết: “Để hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin giảm nghèo bền vững, huyện chỉ đạo thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền. Đặc biệt đẩy mạnh công tác giảm nghèo thông tin gắn với chuyển đổi số. Như vậy vừa phổ cập rộng rãi chủ trương, chính sách giảm nghèo, các mô hình hiệu quả, cách làm hay vừa phối hợp tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề đến người lao động. Cùng đó giúp người dân thay đổi tư duy, phương thức canh tác, buôn bán truyền thống sang loại hình thương mại điện tử; góp phần nâng giá trị sản phẩm”. Với cách làm này, huyện Tân Yên đã hỗ trợ hàng nghìn lượt người dân bán hàng trên nền tảng số, nhất là những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương.
Qua đó góp phần tích cực vào phát triển KT-XH và giảm nghèo bền vững. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Lý ở xã Ngọc Thiện (Tân Yên) được tổ công nghệ số hướng dẫn nên chị đã biết quảng bá sản phẩm bánh nhôm (gần giống bánh tro) truyền thống trên mạng xã hội và nhận được thêm nhiều đơn hàng ở ngoài tỉnh, thu nhập gia đình cải thiện đáng kể.
Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chỉ tiêu “thiếu hụt về thông tin” trong giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo hiệu quả. Theo kết quả rà soát năm 2023, tỉnh Bắc Giang còn hơn 12,5 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm 1,18% so với năm 2022. Số hộ cận nghèo còn 16,2 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo về thông tin, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác hỗ trợ người nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin để chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo.
Bá Đoàn