Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục đạt kết quả khả quan, quý I tăng 13,96%, quý II tăng 14,31%, quý III tăng khoảng 12,23%, tính chung 9 tháng tăng 13,89%, cao nhất cả nước (duy trì thứ hạng từ năm 2023 đến nay).
Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 18,03% (công nghiệp tăng khoảng 20,15%, xây dựng giảm 5,24%); dịch vụ tăng khoảng 6,19%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm khoảng 2,19%, thuế sản phẩm tăng khoảng 12,89%.
Có được kết quả trên là do công nghiệp của tỉnh tiếp tục có sự bứt phá đã kéo theo tăng trưởng kinh tế cao dù nông nghiệp và một số lĩnh vực vẫn gặp khó khăn.
Xác định công nghiệp là động lực cho tăng trưởng nên Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai rà soát, tổng hợp tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN), kịp thời thông tin, hỗ trợ các DN ổn định sau bão, lũ.
Đến nay, đa số các DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, trong đó nhiều DN FDI tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá như: Các DN thuộc Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải và DN ngành cơ khí, chế tạo.
Đáng chú ý là nhiều dự án, DN đầu tư, mở rộng đi vào sản xuất có giá trị tăng cao, đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp như: Công ty TNHH-ICT Luxshare Vân Trung (doanh thu 9 tháng ước đạt 59.830 tỷ đồng tăng 22,5% so với cùng kỳ); Công ty TNHH Fukang technology (doanh thu 9 tháng ước đạt 67.805 tỷ đồng, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ); Công ty TNHH Hana Micron Vina (doanh thu 9 tháng ước đạt 6.164 tỷ đồng, tăng 61,26% so với cùng kỳ).
Cùng đó, các sản phẩm chủ lực tiếp tục có mức tăng mạnh như đồng hồ thông minh, tai nghe... cũng góp phần cho tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Bá Đoàn