Kế hoạch đã cụ thể hóa nội dung của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 phù hợp với yêu cầu của tỉnh nhằm đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sở KH&CN đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện thành phố của tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược SHTT nhằm cụ thể hoá và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phù hợp với định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực tiễn của ngành, địa phương mình trong từng giai đoạn; lồng ghép các hoạt động triển khai Chiến lược SHTT của Thủ tướng Chính phủ trong các đề án, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ KH&CN của ngành, địa phương đồng thời phân công rõ trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, phát huy được lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa của mỗi địa phương. Hàng năm các sở, ngành, địa phương đều có báo cáo kết quả hoạt động SHTT gửi về Sở KH&CN tổng hợp và ban hành báo cáo UBND tỉnh và Bộ KH&CN theo quy định.

Với sự phát triển hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tỉnh Bắc Giang hiện nay đang là điểm đến, là nơi cung cấp dịch vụ hàng hóa cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, việc phát sinh các vụ việc liên quan đến quyền SHTT và phải xử lý, giải quyết là điều tất yếu do vậy, cần có sự phối hợp trong quản lý nhà nước về SHTT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Năm 2022, Sở KH&CN Bắc Giang tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ngày 11/09/2022 Quy chế phối hợp trong hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh. Quy chế quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phối hợp (Sở KH&CN, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố) trong hoạt động quản lý nhà nước về SHTT. Các nội dung phối hợp như: Xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật; Giáo dục, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật; Thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT; Báo cáo, trao đổi thông tin về SHTT. Đáng chú ý, Sở KH&CN đã giải quyết được 02 vụ tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu, trong đó 01 vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Hàng năm, Sở KH&CN đã thực hiện hoạt động kiểm tra kiểm soát bên ngoài, lấy mẫu phân tích độc lập và đối chiếu với các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đã được công bố đối với sản phẩm chỉ dẫn địa lý như Vải thiều Lục Ngạn, Na Lục Nam để đánh giá và đưa ra những nhắc nhở, khuyến cáo, cảnh báo.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được tăng cường, tích cực phối hợp với các cơ quan lý như Thanh tra Sở Nông nghiệp, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, Sở KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động về đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về SHTT góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp về kiến thức cũng như các quy định của pháp luật về SHTT nói chung, sở hữu công nghiệp nói riêng.

Qua đó, giúp cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp có những nhận thức đúng về vai trò của SHTT trong hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay.

Minh Anh