Những kết quả đáng ghi nhận
Ba tháng đầu năm, cùng với cả nước, Bắc Giang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chủ động bám sát tình hình, triển khai nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng trước mắt và chuẩn bị cho dài hạn.
Nhờ tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, sản xuất công nghiệp của Bắc Giang vẫn đạt kết quả tốt. Chỉ số sản xuất tháng 3 tăng 8,5% so tháng trước và tăng 10,2% so tháng 3/2022. Trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử với nhiều doanh nghiệp lớn, vẫn hoạt động ổn định và đang có xu hướng mở rộng sản xuất như Công ty Siflex, Công ty Fuyu, Công ty Luxshare… Giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2023, toàn tỉnh đạt 115.465 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ năm trước và đạt 22,7% kế hoạch.
Những tháng đầu năm, trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, toàn tỉnh đã khẩn trương gieo trồng diện tích lúa chiêm - xuân 2022 - 2023 đạt 66.666/67.700 ha, bằng 98,5% kế hoạch. Các cơ quan chuyên môn tích cực hướng dẫn người dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Bắc Giang quý I/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 8,4%. Các ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,74%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,02%, dịch vụ tăng 6,26%, thuế sản phẩm tăng 3,06%.
Tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt khoảng 4.385 tỷ đồng (bằng 100% so tháng trước), tính chung 3 tháng đạt 13.529 tỷ đồng (tăng 24,9% so cùng kỳ 2022 và đạt 33,4% kế hoạch). Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng giá trị xuất nhập khẩu 3 tháng đạt khoảng 9,37 tỷ USD, tăng 8,5% so cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,79 tỷ USD, tăng 14,3%; nhập khẩu đạt 4,57 tỷ USD, tăng 3%.
Để giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới, giảm bớt thời gian, thủ tục thông quan, UBND tỉnh đã phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tổ chức Lễ khai trương thông tuyến hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp.
Từ những giải pháp quyết liệt và thiết thực, tính đến ngày 31/3, toàn tỉnh Bắc Giang đã thu hút khoảng 976,44 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 2,83 lần so cùng kỳ năm trước; cấp mới 3 dự án trong nước, vốn đăng ký 538,5 tỷ đồng (bằng 91,4%) và cấp mới cho 13 dự án FDI, vốn đăng ký 888,5 triệu USD (gấp 7,72 lần); điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án DDI với số vốn bổ sung đạt 357,9 tỷ đồng và 9 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 49,8 triệu USD (bằng 19,5%).
Trong quý I, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, có 498 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 20% so cùng kỳ 2022; vốn đăng ký đạt 9.896 tỷ đồng, gấp 1,7 lần.
Phát triển bền vững và hiệu quả
Ba tháng đầu năm, hợp tác giữa Bắc Giang với các tỉnh trong nước và các địa phương nước ngoài được tăng cường, mở rộng với nhiều thỏa thuận được ký kết. Môi trường đầu tư được cải thiện; việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển ngày càng hiệu quả.
Trên địa bàn tỉnh, đang triển khai 12 dự án nhà ở xã hội và 8 dự án nhà ở thương mại. Có 145 dự án khu đô thị, khu dân cư mới đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và phê duyệt kết quả lựa chọn chủ đầu tư.
Địa phương cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 10 huyện, thành phố; tập trung xây dựng “Đề án thành lập thị xã Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang và thành lập các phường thuộc thị xã Việt Yên”; xây dựng “Đề án nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang và thành lập các phường thuộc thành phố Bắc Giang”.
Bắc Giang cũng chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch liên kết bao tiêu sản phẩm đối với một số nhóm cây trồng, khắc phục tình trạng thương lái nhiều nơi ép giá nông sản, gây thiệt hại cho nông dân; tăng cường quản lý thị trường, chủ động phương án điều tiết nguồn cung, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa; đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, hữu cơ cao vào sản xuất.
Nhằm hướng tới hoàn thiện mục tiêu chính phủ số, kinh tế số, công dân số, Bắc Giang đã triển khai quyết liệt công tác chuyển đổi số, xây dựng trung tâm dữ liệu chuyển đổi số; triển khai các nhiệm vụ vận hành Hệ thống Trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC (giai đoạn 1); đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến 2030; chuẩn bị các điều kiện tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023 (Techfest Bắc Giang 2023) và trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ.
Bắc Giang cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các nguồn vốn chất lượng với công nghệ tiên tiến; ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương với Việt Nam với các ngành nghề tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, kinh tế số, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, thương mại…
Cùng với việc tập trung phát triển công nghiệp, Bắc Giang cũng chú trọng chỉ đạo tuyên truyền các nhiệm vụ an sinh xã hội; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Để đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, Bắc Giang sẽ tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, lãnh đạo các ngành, địa phương, để xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập, trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là những vấn đề về thủ tục hành chính trong đầu tư, vay vốn, giải phóng mặt bằng, vấn đề an sinh xã hội, từ đó tạo động lực phát triển cho những năm tiếp theo.
Tại Hội nghị thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý II, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh, kết quả trong quý I, Bắc Giang dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI. Tỉnh xác định, đây là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thời gian tới, các ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống người lao động…
Bá Đoàn