Những thành tựu đáng ghi nhận
Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 5,3%/năm. GRDP đến năm 2020 ước đạt 12.840 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 40 triệu đồng/người, đạt 102% mục tiêu. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 5,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp. Đến năm 2020, ngành nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 15,2%; dịch vụ chiếm 53,3%. So với năm 2015, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp giảm 4,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 0,9%; dịch vụ tăng 3,9%.
Sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chế biến nông sản và tổ chức sản xuất có liên kết trong khu vực. Các loại cây đặc sản có thế mạnh của tỉnh như cam, quýt, chè, hồng không hạt từng bước được thâm canh, tăng dần năng suất, chất lượng sản phẩm; một số diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ, đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh đã có sản phẩm đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Châu Âu là Miến dong Tài Hoan của HTX Tài Hoan (huyện Na Rì).
Năm 2020, sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, cùng với sự đồng lòng của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội năm 2020 nhìn chung ổn định, các chính sách an sinh xã hội được chú trọng, các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 được thực hiện tốt; các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh được triển khai kịp thời; các lĩnh vực giáo dục, khoa học, tài nguyên môi trường, cải cách hành chính được quan tâm thực hiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Qua đó, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực: Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 ước đạt 3,16%. GRDP bình quân đầu người đạt 40,7 triệu đồng, tăng 2,5 triệu đồng so với năm 2019. Sản xuất nông - lâm nghiệp duy trì đà ổn định với bình quân lương thực đạt 565kg/người/năm; tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước 72,9%, là tỉnh đứng thứ hai cả nước về sản phẩm OCOP với 131 sản phẩm.
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh mặc dù mới đạt 96,1% kế hoạch nhưng vẫn tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2019; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 127,7% kế hoạch, tăng 32% so với năm 2019, là năm đầu tiên trong 5 năm qua kim ngạch xuất - nhập khẩu của tỉnh vượt kế hoạch đề ra. Công tác triển khai quy hoạch xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các tuyến giao thông kết nối được triển khai tích cực, cộng với nỗ lực trong xúc tiến đầu tư trong năm 2020 đã góp phần thu hút được 24 dự án đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.410 tỷ đồng, tăng 07 dự án và hơn 1.600 tỷ đồng vốn đầu tư so với năm 2019. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường.
Tổ chức thành công của Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh đã mang lại bầu không khí phấn khởi, tin tưởng, đoàn kết trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp Nhân dân, đồng thời mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Bắc Kạn. Thành công từ Đại hội cùng với những kết quả đạt được trong năm 2020 càng củng cố niềm tin, khẳng định ý chí, quyết tâm của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh Bắc Kạn trên con đường thực hiện mục tiêu xây dựng Bắc Kạn phát triển nhanh và bền vững.
Quyết tâm ngay từ những ngày đầu trên chặng đường mới
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Năm tiến hành Đại hội lần thứ XIII của Đảng; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp; là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đang nỗ lực triển khai các giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả và trách nhiệm trước Nhân dân, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, đưa các nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp: Kế thừa và phát huy thành tựu đã đạt được, trên cơ sở phân tích cơ hội phát triển và những khó khăn thách thức cần phải vượt qua, Bắc Kạn xác định năm 2021 phải hết sức nỗ lực, cố gắng ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, chủ động đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm triển khai đồng bộ, hiệu quả để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh đã đề ra:
Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,8%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 732 tỷ đồng trở lên; sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người/năm đạt 550 kg; trồng mới 3.570 ha rừng; duy trì tỷ lệ che phủ rừng 72,9%; tăng thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành lập mới 30 hợp tác xã; giải quyết việc làm mới cho 6.000 người; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2 - 2,5%, tại các huyện nghèo giảm 3,5 - 4%; tăng thêm 04 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tăng thêm 08 trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 90%; phấn đấu thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thứ hạng chỉ số cải cách hành chính tăng ít nhất 01 bậc...
Để thực hiện được mục tiêu đề ra tỉnh Bắc Kạn kiến nghị với Trung ương quan tâm, chỉ đạo hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ để kết nối có hiệu quả với các tỉnh trong khu vực, nhất là các trung tâm kinh tế vùng Đông Bắc, tạo điều kiện nâng cao lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Trong đó, tập trung đầu tư tuyến Quốc lộ 3 mới đoạn từ huyện Chợ Mới đi thành phố Bắc Kạn và tuyến từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể. Tỉnh đề xuất Quốc hội và Chính phủ tăng vốn đầu tư cho tỉnh trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội mà mũi nhọn là phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể. Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn về phát triển lâm nghiệp, quy hoạch đất lâm nghiệp phù hợp với đặc thù của một số tỉnh miền núi như Bắc Kạn; có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào các tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…
Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ; Diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn là 485.996ha; Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính, trong đó có 01 thành phố (thành phố Bắc Kạn) và 07 huyện (Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm) với 108 xã, phường, thị trấn; Dân số Bắc Kạn (tính tại thời điểm ngày 01/4/2019) là 313.905 người. Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Kạn chính thức được tái thành lập, đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu mới của Bắc Kạn trên con đường xây dựng và phát triển.
Hoàng Thiệp