Để tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân phát triển các mô hình kinh tế, thời gian qua huyện Chợ Mới đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phương tiện sản xuất, khoa học kỹ thuật, tín dụng ưu đãi, liên kết tiêu thụ sản phẩm... 

Năm 2020, huyện Chợ Mới triển khai 2 thuộc Chương trình 135, với nội dung đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã Quảng Chu, Thanh Mai, Yên Hân và Nông Hạ. Trong đó thực hiện hỗ trợ mô hình nuôi gà thịt cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo với định mức hỗ trợ là hộ nghèo 100%, cận nghèo 80%. Quá trình triển khai thực hiện dự án, cán bộ kỹ thuật của Phòng NN và PTNT huyện phối hợp với cán bộ nông nghiệp các xã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hộ về kỹ thuật, kịp thời cấp phát thuốc để tiêm phòng dịch bệnh, vì vậy tỷ lệ rủi ro rất thấp. Qua đánh giá của các hộ dân được hưởng lợi cho thấy mô hình này phù hợp với điều kiện của gia đình như nguồn vốn đầu tư vừa phải, không cần nhiều nhân công, không mất quá nhiều thời gian, thời gian xuất chuồng ngắn, giá trị kinh tế cao... Vào thời điểm gà được xuất chuồng, các hộ bán với giá bình quân từ 70-80.000 đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định.

Dự án nuôi chim bồ câu mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôiDự án nuôi chim bồ câu mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi

Chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp người dân tiếp cận với vốn vay để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số hộ nghèo và hộ chính sách khác được vay vốn từ chính sách tín dụng ưu đãi là hơn 9 nghìn hộ, với tổng số tiền hơn 341 tỷ đồng, tổng dự nợ hơn 300 tỷ đồng. Vốn ngân sách Trung ương cấp mới cho người lao động vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hơn 1 tỷ đồng.

Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi, các đối tượng là hộ nghèo đã có thêm nguồn lực để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống và từng bước thoát nghèo. Toàn huyện có hơn 2.000 hộ thoát nghèo; 179 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 378 lao động được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; 45 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Bên cạnh chính sách tín dụng ưu đãi, huyện còn triển khai hiệu quả các hợp phần hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn theo vốn của Chương trình 135. Năm 2019, huyện thực hiện được 13 dự án. Năm 2020, thực hiện 9 dự án và 2 mô hình với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Các dự án thực hiện chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản; nuôi lợn thịt, gà thịt...

Đồng thời, huyện Chợ Mới đặc biệt chú trọng đến triển khai công tác dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động nhằm giúp người lao động có thêm tay nghề để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. Các lớp đào tạo nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với các Trung tâm dạy nghề trong tỉnh triển khai thực hiện tập trung vào các nghề như: sửa chữa máy nông nghiệp, tin học văn phòng; nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm; trồng rừng, khai thác rừng; chế biến chè...

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện có hơn 2.000 lao động được đào tạo nghề, trong đó có hơn 1.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số lao động được tạo việc làm mới trên địa bàn huyện là 2.611/2.090 lao động, đạt tỷ lệ 124,9%, trong đó qua xuất khẩu lao động 197/130 lao động, đạt tỷ lệ 151,5%.

Có thể nói, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Chính sách giải quyết việc làm đã giúp người lao động có thêm nguồn vốn, tay nghề để phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng tỷ lệ sử dụng lao động ở khu vực nông thôn.

Hoàng Công Luận