Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tờ rơi, sổ tay về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngành nghề đào tạo, thông tin về thị trường lao động, việc làm, đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Ngoài ra, các nhà trường đã phối hợp với cơ sở đào tạo tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho trên 20.000 học sinh khối trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Hằng năm, Tỉnh đoàn phối hợp với ngành Giáo dục và các ngành liên quan tổ chức tư vấn trực tiếp cho hàng nghìn đoàn viên, thanh niên và học sinh của các trường THPT về những điểm cơ bản trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng; thông tin về nhu cầu nhân lực mà các ngành đang cần; định hướng cho đoàn viên, thanh niên lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội; tổ chức đối thoại với đoàn viên, thanh niên những vấn đề về nghề nghiệp, việc làm.
Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Bắc Kạn đã giải quyết việc làm cho trên 50.870 người lao động trong độ tuổi thanh niên; đào tạo nghề cho trên 44.920 thanh niên trên địa bàn tỉnh. Riêng đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp, giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn tỉnh tuyển mới và đào tạo được 3.421 học sinh trình độ trung cấp; 768 sinh viên trình độ cao đẳng. Tăng tỷ lệ thời gian lao động của thanh niên ở nông thôn lên 80%.
Học viên Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn trong giờ thực hành. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
Thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên nông thôn lập nghiệp, làm giàu”, gắn với chương trình thanh niên khởi nghiệp từ Đề án “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), tỉnh đã phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn nâng cao năng lực giải quyết việc làm cho cán bộ Đoàn, triển khai Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm, giai đoạn 2008-2015” (Đề án 103), tập huấn khởi sự kinh doanh và lập nghiệp cho hơn 500 đoàn viên, thanh niên.
Đến nay, toàn tỉnh có 205 mô hình kinh tế của thanh niên, 33 tổ hợp tác, 25 hợp tác xã do thanh niên làm chủ. Nhiều hợp tác xã hoạt động bước đầu có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, như: HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố (Chợ Mới), HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu (Na Rì), HTX Hồng Hà (Chợ Đồn)…
Bên cạnh đào tạo nghề, các chương trình tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế, tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên cũng được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như đảm nhận xây dựng các công trình của địa phương, vay vốn để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội do Tỉnh đoàn quản lý là 193,786 tỷ đồng với 266 tổ tiết kiệm vay vốn, quản lý 1.744 triệu đồng vốn giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn cho 28 dự án phát triển sản xuất.
Hà Trần