Sử dụng rượu giả không rõ nguồn gốc xuất xứ rất có thể gây ngộ độc Ảnh (internet)
Vừa qua, trên địa bàn cả nước xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về Chống buôn lậu và gian lận thương mại và Bộ Y tế đã vào cuộc để tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và buôn bán nhỏ rượu tự nấu trong dân.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã ra văn bản, siết chặt cấp phép và hạn chế cơ sở tự sản xuất rượu (rượu gạo, ngô, khoai, sắn ủ lên men để tinh chế thành rượu) lâu nay vẫn được sử dụng tại các vùng quê. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng liên ngành đồng loạt vào cuộc để ngăn chặn rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp methanol gây ngộ độc cho người dân trên phạm vi toàn quốc.
Tại tỉnh Bắc Ninh, vừa qua đoàn liên ngành gồm Ban Chỉ đạo 389 Bắc Ninh, Quản lý thị trường, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm địa phương đã kiểm tra hơn 12 trường hợp sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu. Xử lý hơn 5 vụ vi phạm không có giấy phép kinh doanh, không có giấy tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe, không có hợp đồng mua bán, không có nhãn hàng hóa... Số tiền phạt hành chính các cơ sở là hơn 24,4 triệu đồng, thu giữ hơn 500 lít rượu không rõ hóa đơn, nguồn gốc và sản xuất không phép.
Trong đó, lực lượng chức năng đã phát hiện gia đình bà Nguyễn Thị Bích (xã Tam Đa, huyện Yên Phong) cơ sở tự nấu, và sản xuất thành phẩm hơn 500 lít rượu. Quá trình kiểm tra, hộ gia đình trên không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến việc cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.
Về nguồn gốc số rượu hơn 500 lít đang được đựng trong 5 thùng phi màu xanh, cơ quan chức năng thu giữ và chờ kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol, đồng thời niêm phong toàn bộ hàng hóa và tang vật sản xuất liên quan để xử lý.
PV