Buổi lễ được tổ chức trực tiếp tại địa điểm thực hiện Dự án, với sự tham dự của bà Han Wha-Jin, Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc; đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; cùng các đại biểu cấp cao của hai nước và nhà đầu tư.
Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp phát điện (gọi tắt là Nhà máy điện rác Ngôi Sao Xanh) là nhà máy đốt rác phát điện tư nhân tiên phong tại Việt Nam. Đây là thành quả của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh (đơn vị có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp, có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh và khu vực) với Công ty TNHH Chosun Refractories ENG trong lĩnh vực phát triển công nghệ đốt rác phát điện, đặc biệt là về việc triển khai giải pháp trí tuệ nhân tạo trong đốt chất thải.
Việc vận hành Nhà máy điện rác Ngôi Sao Xanh được kỳ vọng sẽ sớm trở thành hình mẫu tiên phong trao đổi chứng chỉ carbon theo thoả thuận Paris và thoả thuận song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Dự án được Chính phủ và cơ quan Bộ ngành, địa phương hai nước hết sức quan tâm.
Dự án được khởi công vào tháng 7/2020; đầu tư xây dựng hoàn thành Quý II/2022, thực hiện hòa lưới điện thành công lên lưới điện quốc gia vào tháng 8/2022.
Sau quá trình vận hành thử nghiệm, nhà đầu tư đã thực hiện các thủ tục cuối cùng cho dự án như: Xin gấp giấy phép xử lý chất thải, nghiệm thu công trình xây dựng, công trình điện, phòng cháy chữa cháy, cấp phép hoạt động điện lực… Đến nay, Dự án đã đi vào vận hành chính thức góp phần bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh cũng như có khả năng cung cấp cho địa phương khoảng 40 triệu KWh/năm.
Dự án góp phần là cầu nối thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc nói chung và đặc biệt là dự án về môi trường phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội nói riêng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh được biết đến là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước: Quy mô sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất cả nước, với giá trị khoảng 1,5 triệu tỷ; Giá trị xuất nhập khẩu đứng thứ 2; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đứng thứ 7 (lũy kế đến nay đạt 24,6 tỷ USD). Với 16 khu công nghiệp được triển khai và 12 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với 1900 doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số công nhân trong khu công nghiệp khoảng 305.000 lao động; trong đó Hàn Quốc là quốc gia có vốn đầu tư FDI lớn nhất (13,7 tỷ USD với 600 dự án) với nhiều thương hiệu lớn, mang tính toàn cầu: Samsung, Amkor, Canon, ABB...
“Cùng với sự phát triển, Bắc Ninh đang phải đối mặt với vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải và chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay của tỉnh. Nhận thức trước tình hình, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, tỉnh đã xây dựng và ban hành Đề án tổng thể bảo vệ môi trường, giai đoạn 2019-2025, trong đó xử lý toàn diện, tổng thể các vấn đề về môi trường: nước thải, khí thải và rác thải.
Riêng vấn đề rác thải, tỉnh xác định giải pháp căn cơ, bài bản nhất để xử lý là việc đầu tư các nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn xã hội hóa”, Phó Chủ tịch Đào Quang Khải nhấn mạnh.
Theo ông Khải, mỗi ngày Bắc Ninh đang phát sinh khoảng 1.100 tấn rác thải sinh hoạt (chưa kể hàng nghìn tấn rác thải công nghiệp), số lượng này tăng khoảng 7-10% một năm.
Bắc Ninh hiện có 4 nhà máy đốt rác phát điện, với tổng công suất từ 1.300-1.500 tấn/ngày. Dự kiến, đến Quý II/2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các nhà đầu tư trong việc sớm khởi công dự án và đưa Nhà máy điện rác GCEP đi vào hoạt động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải đề nghị, nhà đầu tư cần vận hành nhà máy liên tục, ổn định, an toàn, hiệu quả; đảm bảo các nguồn thải sau khi xử lý đạt các quy chuẩn môi trường Việt Nam, thực hiện nghiêm các nội dung trong Giấy phép môi trường đã được cấp; thực hiện tốt chế độ đãi ngộ với công nhân làm việc trong nhà máy; quan tâm hơn nữa vấn đề an sinh xã hội tại địa phương.
Các Sở, ban, ngành và thị xã Quế Võ phối hợp, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho chủ đầu tư nhà máy vận hành liên tục, đảm bảo xử lý ô nhiễm môi trường và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Nhà máy điện rác GCEP với công suất 180 tấn/ngày (xử lý 100 tấn rác thải sinh hoạt và 80 tấn rác thải công nghiệp) công suất phát điện 6.1MW, tổng mức đầu tư 33 triệu USD. Trong đó, đối với hạng mục Lò đốt rác với tổng vốn đầu tư 22 triệu USD do liên doanh 2 công ty đến từ Việt Nam và Hàn Quốc cùng hợp tác. Nhà đầu tư mong muốn đây là một dự án trọng điểm trong lĩnh vực môi trường của tỉnh Bắc Ninh áp dụng công nghệ hiện đại, tiến tiến trên thế giới.
Đoàn Huế