Tập trung vào xử lý rác thải sinh hoạt
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Thủ tướng đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu để xây dựng và phối hợp với các địa phương trình một Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách xử lý chất thải rắn. Trong đó, tập trung vào xử lý rác thải sinh hoạt.
“Xử lý rác thải đòi hỏi chúng ta giải quyết được bài toán quy hoạch, công nghệ và nguồn lực. Công nghệ sẽ liên quan đến tổ chức, phân loại, thu gom từ nguồn. Công nghệ nào thì có chu trình đi theo như thế”, ông Thứ nói và đặt câu hỏi: Trước đây, chúng ta cũng đã có phân loại, thu gom rồi mà không thành công, vì sao?
Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%, còn ở TP. HCM là xấp xỉ 70%. Trong khi đó, việc xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, là vấn đề rất nóng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, qua đợt tổng rà soát, kiểm tra các bãi rác, khu xử lý rác thải trên cả nước năm 2019, toàn quốc hiện nay vẫn còn 71% rác thải xử lý theo hình thức chôn lấp (hợp vệ sinh và không hợp vệ sinh); tỷ lệ các công nghệ khác là rất thấp (đốt 13%, còn lại là một số giải pháp khác).
Ảnh minh hoạ
Biến rác thải thành tài nguyên
Tại không ít quốc gia trên thế giới, một lượng không nhỏ rác thải được biến thành tài nguyên. Còn ở Việt Nam, rác thải vẫn là một gánh nặng khổng lồ. Muốn biến rác thành tài nguyên, hay tái chế, thì bước đầu tiên phải tiến hành là phân loại rác thải tại nguồn. Nhưng thực tế, phần lớn người Việt vẫn xa lạ với “bước đầu tiên” ấy.
Cách đây 14 năm, một số phường ở Hà Nội đã từng triển khai phân loại rác thải tại nguồn. Năm 2006, với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), TP. Hà Nội đã triển khai Dự án phân loại rác thải tại nguồn (Dự án 3R) tại một số quận. Người dân phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế, sau đó, lực lượng chức năng sẽ có xe để thu gom các loại rác riêng. Lúc đó, ai cũng kỳ vọng, Dự án 3R sẽ tạo “mồi lửa” để hình thành thói quen phân loại rác, động lực để Hà Nội tiến hành các giải pháp xử lý rác thải, trong đó có tái chế. Nhưng dự án chỉ tiến hành đến năm 2009. Khi số tiền tài trợ hết, thì việc phân loại rác cũng dừng lại.
Tại TP. Hồ Chí Minh, địa bàn phát thải rác lớn nhất cả nước, cuối năm 2018, thành phố đã ban hành Quyết định số 44/2018/QÐ-UBND về việc Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Nhưng đến nay, các hoạt động phân loại rác thải tại nguồn vẫn rất ít chuyển biến. Việc hạ tầng thiếu hụt cộng với công nghiệp chế biến rác thải chưa phát triển vẫn là những vật cản lớn.
Không ít chương trình, dự án xử lý rác thải được quảng bá một cách rầm rộ. Nhưng chỉ một thời gian sau, nó lặng lẽ chìm dần. Chẳng hạn, việc thực hiện thu hồi pin cũ lần đầu xuất hiện ở Hà Nội và một số thành phố khác cách đây không lâu. Gần đây, lại tiếp tục có một số doanh nghiệp thực hiện việc thu hồi pin cũ. Cuộc sống ngày càng hiện đại, lượng pin thải ra môi trường ngày một lớn. Thu gom, rồi xử lý là việc vô cùng cần thiết. Nhưng nếu hỏi người dân có biết đến những hoạt động này không, thì câu trả lời là rất hiếm. Phần lớn người dân vẫn giữ thói quen bỏ thẳng những cục pin độc hại vào thùng rác…
Bởi vậy, theo các chuyên gia, để rác có thể thành tài nguyên, thì phải bắt đầu bằng công việc đơn giản đầu tiên đó là, phân loại rác thải tại nguồn. Các biện pháp phải tiến hành đồng bộ, thay vì “đánh trống bỏ dùi” như giai đoạn trước. Cùng với phân loại, phải xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào tái chế rác thải, xây dựng công nghiệp chế biến rác thải. Ðó mới là giải pháp căn cơ, có tính bền vững với xử lý rác thải và cần ưu tiên hơn so với việc đổi cách tính thu phí. Nếu thay đổi cách tính thu phí không hợp lý, giải pháp này sẽ dễ trở thành một giải pháp “tận thu”.
Minh Đức