Nhiều chính sách ưu đãi

Theo dự báo, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng trong thời gian tới. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ cao hơn tốc độ tăng trưởng của nguồn cung mới. Tuy nhiên, các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời dù tiềm năng rất lớn lại loay hoay chưa thể phát triển xứng tầm.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

“Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Nội dung chính của Chiến lược là khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời, sinh khối”, ông Vy cho hay.

Với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, trong những năm gần đây, nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo đã phát triển nhanh chóng. Công suất nguồn điện gió, điện mặt trời hiện đạt trên 5000MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất các nguồn điện toàn quốc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, những năm tới, vì nhiều lý do một số nhà máy điện lớn đang xây dựng bị chậm tiến độ sẽ làm tăng nguy cơ thiếu điện. Theo đó, sản lượng điện thiếu hụt từ 1,5 - 5 tỷ kWh trong giai đoạn 2021 - 2023, các năm sau sẽ tăng lên nếu các nguyên nhân gây chậm trễ không được khắc phục.

Gỡ Gỡ "nút thắt" để phát triển các nguồn năng lượng sạch

Tháo gỡ những "nút thắt"

Ngày 10/9/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Trong đó, giá mua điện của dự án điện gió trong đất liền tương đương 8,5 Uscent/kWh, các dự án điện gió trên biển tương đương 9,8 Uscent/kWh. Giá bán điện trên được cố định trong 20 năm đối với các dự án vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.

Với cơ chế giá FIT ưu đãi đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển sau một thời gian trầm lắng do giá thấp. Đến nay đã có 11 dự án với tổng công suất 377 MW được đưa vào vận hành.

Song, hiện có ít dự án điện gió được đưa vào vận hành xuất phát từ nhiều yếu tố, như vướng mắc trong áp dụng Luật Quy hoạch, ảnh hưởng của Covid-19 và thực tế thi công các dự án.

Không chỉ vướng ở quy hoạch, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp tua-bin gió, thời gian thi công các dự án. Ngoài ra, việc thi công điện gió cũng phức tạp hơn rất nhiều so với dự án điện mặt trời. Bởi ngoài xử lý nền móng đủ vững chắc cho tua-bin gió, còn phải có cần cẩu chuyên dụng để lắp các thiết bị siêu trường, siêu trọng, lên độ cao trên 100 m.

TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch cũng cho rằng, khi phát triển mạnh năng lượng tái tạo, cũng phải đối mặt thách thức lớn. Cụ thể, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao.

Đối với điện gió cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định nên có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ, trong khi với điện Mặt Trời, Nhà nước cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp và tư nhân, lại không cần phải đầu tư lưới điện đấu nối.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, bản chất năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức, làm sao phát triển nhanh và mạnh nhưng đồng thời phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.

Song, với tiềm năng rất lớn và để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam từ năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bàn các giải pháp

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu quan điểm, nhằm đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung phát triển nhanh các nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là nguồn điện mặt trời và điện gió. Bởi, các nhà máy này có ưu thế là quy mô nhỏ, phân bố rộng rãi trên toàn quốc, thời gian xây dựng nhanh sẽ góp phần bù đắp lượng điện năng thiếu hụt.

Cụ thể, đối với các dự án điện mặt trời,tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020, các dự án điện mặt trời nối lưới đã có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại từ 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 được áp dụng biểu giá hỗ trợ (FIT). Theo đó, giá mua điện là 7,69 UScents/kWh đối với các dự án điện mặt trời nổi và 7,09 UScents/kWh đối với các dự án điện mặt trời mặt đất.

Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn dự án điện mặt trời đang bị chững lại vì vướng thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nếu không khơi thông được vấn đề này, nhiều dự án đang xây dựng có nguy cơ không được hưởng giá FIT do vào sau ngày 31/12/2020.

Ông Vy đề xuất, nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, có thể xem xét cho phép không phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các dự án điện mặt trời nối lưới kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích chủ đầu tư các dự án điện mặt trời hợp tác với các hộ dân có quyền sử dụng đất thực hiện sản xuất nông nghiệp kết hợp với sản xuất điện.

Bắt đầu từ năm 2021, các dự án điện mặt trời sẽ được lựa chọn theo cơ chế đấu thầu, Bộ Công Thương đang nghiên cứu các phương án đầu thầu dự án điện mặt trời để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), đang hỗ trợ Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời. Đồng thời, WB đề xuất 2 hình thức thực hiện, theo khuyến nghị của các chuyên gia tư vấn, để có thể có kết quả đấu thầu là giá bán điện thấp thì Nhà nước cần chia sẻ các rủi ro cho nhà đầu tư về hạ tầng sạch, hợp đồng mua bán điện có bảo lãnh Chính phủ về bao tiêu, chuyển đổi ngoại tệ...

Việc thực hiện đấu thầu theo đề xuất của WB hoặc thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu của Việt Nam (lập, phê duyệt dự án đầu tư; lập hồ sơ mời thầu, chọn thầu), để đưa vào vận hành dự án thí điểm theo cơ chế này có thể cần thời gian 2 - 3 năm. Như vậy, có thể không đáp ứng yêu cầu phải bổ sung công suất nguồn điện mặt trời từ năm 2021.

Ngoài ra, theo ông Vy, việc lựa chọn phát triển các dự án điện mặt trời cần phải định khối lượng cần đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở đó lập kế hoạch đấu thầu cho phát triển các dự án điện mặt trời trong giai đoạn này. Nhằm tránh quá tải cho lưới điện truyền tải, các dự án điện mặt trời không nên tập trung quá lớn tại một địa điểm.

Trên cơ sở công suất nguồn điện mặt trời cần đưa vào hàng năm, tổ chức việc đấu thầu để lựa chọn các dự án. Việc lựa chọn được thực hiện trên cơ sở giá chào của các nhà đầu tư, các dự án có giá chào thấp được xếp trước, cho đến khi đủ công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành trong năm đó của các vùng, miền và toàn quốc.

Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng nghìn doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực tham gia thị trường từ đầu tư, nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới áp dụng vào quản lý, vận hành hệ thống điện; sản xuất sản phẩm, thiết bị phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao; dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hay mô hình dịch vụ Esco…

Bùi Quyền