Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC; nhất là không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa. Hiện toàn tỉnh có 1.722 TTHC thực hiện tại 3 cấp, được đồng bộ giữa Hệ thống thông tin dịch vụ công tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia về TTHC.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công hướng dẫn người dân lập tài khoản trên cổng Hành chính công
Cán bộ Trung tâm Hành chính công hướng dẫn người dân lập tài khoản trên cổng dịch vụ Hành chính công.

Việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, rà soát, cung cấp, tích hợp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thành phần hồ sơ phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với nguyên tắc không phải khai báo lại các thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay tổng số lượt tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 75.685 lượt, trong đó khai thác thành công 58.214 lượt, đạt tỷ lệ 77%; Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 400.000 hồ sơ trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người dân với số tiền ước khoảng hơn 15 tỷ đồng.

Đối với 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 28 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông, tỉnh thực hiện tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành trung ương trong quá trình thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. Hiện toàn tỉnh có 298 dịch vụ công có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 64,64%.

Về công tác số hóa hồ sơ TTHC, hiện tỉnh triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu tỉnh với quy mô đáp ứng về thiết bị máy chủ, thiết bị lưu trữ đảm bảo an toàn thông tin theo quy định; xây dựng lộ trình, kế hoạch nhằm đáp ứng theo mục tiêu số hóa được giao. Trong đó, nguồn dữ liệu số hóa chủ yếu là kết quả giải quyết TTHC lịch sử còn hiệu lực, mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành số hóa 100%.

Để thực hiện mục tiêu trên, các cơ quan, đơn vị tập trung tập huấn cho cán bộ, công chức bộ phận một cửa các cấp và cán bộ tham gia vào quy trình giải quyết TTHC các nội dung liên quan đến nhiệm vụ số hóa. Cụ thể như đối với số hóa dữ liệu tài nguyên và môi trường, đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại 126/126 đơn vị cấp xã với 1.395.905 thửa đất, thường xuyên cập nhật thông tin địa chính vào hệ thống dữ liệu số theo hồ sơ phát sinh sau khi thực hiện TTHC về đất đai…

Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến là khâu quan trọng, then chốt trong quá trình cải cách hành chính, cải cách TTHC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tính minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đây là bước đi đột phá, mạnh mẽ của tỉnh nhằm hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bá Đoàn