Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và 8 huyện, thị xã, thành phố.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương báo cáo công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại do bão gây ra.
Bão số 3 bắt đầu đổ bộ vào tỉnh Bắc Ninh từ trưa ngày 7/9, tâm bão ảnh hưởng trực tiếp bắt đầu từ 14h đến 20h30’ cùng ngày, sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, gây mưa vừa, mưa to.
Thống kê sơ bộ, có 560 công trình nhà ở bị tốc mái; hơn 8.700 ha lúa, rau màu bị đổ, úng ngập, thiệt hại; 80.000 m2 nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị tốc mái, hư hỏng; 7.500 cây xanh bị đổ, gãy; 42 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng; không gây thiệt hại về người (38 người bị chấn thương do mưa bão).
Hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh ổn định, không có sự cố đê, kè, cống xảy ra; một số điểm bị sụt lún, nứt gãy mặt đê thuộc địa bàn xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, xã Long Châu (Yên Phong) và Hiền Lương (thị xã Quế Võ).
Về hạ tầng điện, bị hư hỏng 7 đường dây 110 kV, 1 trạm biến áp 110kV bị mất điện; 127/280 đường dây trung áp bị sự cố; 61 trạm bơm tiêu úng bị mất điện không thể vận hành; nhiều khu vực trong tỉnh gặp sự cố điện. Ngành Điện đã nỗ lực khắc phục các sự cố hỏng điện, hiện vẫn đang tích cực sửa chữa, bảo đảm nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Sau bão, đêm và rạng sáng nay vẫn có mưa lớn diễn ra trên diện rộng. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, dự báo trên địa bàn tỉnh mưa vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, rất cần các biện pháp khắc phục, ứng phó khả thi nhất.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và nhân dân trong công tác phòng, chống, ứng cứu kịp thời các tình huống xấu do bão số 3 gây ra, trong đó rất nhiều lực lượng đã xuyên ngày, xuyên đêm phòng, chống và ứng phó với bão.
Về công việc trước mắt, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Nông nghiệp, Tài chính rà soát các thiệt hại ban đầu để có phương án hỗ trợ khắc phục kịp thời cho các địa phương. Theo dõi chặt chẽ, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, sông, kênh mương, không để xảy ra ngập úng lúa, hoa màu.
Các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền về tình hình mưa bão, sau bão cho nhân dân không chủ quan nhưng cũng không hoang mang.
Các ngành Giáo dục, Y tế quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không để các em học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh. Đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo là cho học sinh nghỉ học ngày thứ Hai (9/9) để tập trung khắc phục các sự cố sau bão, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Giáo dục huy động lực lượng tại chỗ, cần thiết đề xuất bổ sung lực lượng quân sự, công an vào cuộc, nhanh chóng khắc phục các hư hỏng để các trường học trở lại dạy và học từ ngày 10/9.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban quản lý các KCN, Sở Công Thương rà soát lại hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, tránh xảy ra ngập lụt và mất điện cục bộ kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất. Sở Công Thương kiểm tra, bảo đảm hoạt động hệ thống chợ, trung tâm thương mại trong chiều ngày 8/9.
Ngành Điện có phương án ưu tiên điện cho các trạm bơm tiêu, sau đó đến viễn thông, các đơn vị sản xuất lớn, cơ quan công sở, bệnh viện, trường học.
Sở Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, các đơn vị liên quan và các địa phương tập trung khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt tại các tuyến đường chính; kiểm tra, rà soát giao thông trên các tuyến cao tốc qua địa bàn; khắc phục ngay bước đầu hệ thống cây xanh đổ, gãy, thoát nước đô thị, bảo đảm lưu thông và an toàn cho người tham gia giao thông, sớm đưa các hoạt động của tỉnh trở lại bình thường.
Bá Đoàn