Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND - UBND tỉnh – Uỷ ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố cùng hơn 40 đại biểu là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân tỉnh Bắc Ninh đã không ngại hy sinh, gian khổ, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch. Với những chiến công oanh liệt trong phong trào thi đua "giết giặc lập công" của quân và dân Bắc Ninh, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như: Đội Công an danh dự tỉnh Bắc Ninh có thành tích "diệt tề, trừ gian", đột nhập đánh sân bay Gia Lâm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng nổi danh cả nước về thành tích chiến đấu chống thực dân Pháp, được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có trên 125 nghìn đối tượng người có công với cách mạng, trong đó có 16.486 liệt sĩ; 1.430 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; 13 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 627 cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa; 11.207 thương binh; 4.883 bệnh binh; 1.702 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 2.941 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; 84.699 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; 470 người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước khen thưởng Huân, Huy chương; 958 con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh luôn ghi nhớ, tôn vinh công ơn các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.
Bắc Ninh là địa phương đi đầu trong công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, tỉnh đã có nhiều chính sách, việc làm thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình những người có công với cách mạng, cụ thể như: Hỗ trợ xây dựng và cải thiện nhà ở; hỗ trợ kinh phí đối với các trường hợp được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; Tăng số lượt điều dưỡng người có công từ 2 năm 1 lần lên 1 năm 1 lần cho các đối tượng diện 2 năm 1 lần, tặng quà cho người có công vào dịp Tết nguyên đán và 27/7 hằng năm; trợ cấp hằng tháng đối với người cao tuổi thuộc người có công và thân nhân người có công từ 70 đến dưới 80 tuổi…
Cùng với đó, công tác quy tập hài cốt liệt sĩ và nhiệm vụ tu bổ, xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân cũng như các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, cá nhân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm...
Có thể khẳng định, những việc làm mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương tỉnh nhà đã và đang làm là hoạt động thiết thực nhất để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và những việc làm trên là minh chứng cho tấm lòng tri ân đó.
Tại Hội nghị, các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và thế hệ trẻ tham gia tọa đàm, chia sẻ về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; kế thừa tinh thần, sức mạnh đoàn kết, sáng tạo của Chiến thắng Điện Biên Phủ, phát huy sức trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca bất hủ bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc của quân và dân ta.
Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với cách mạng, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Thực hiện đảm bảo đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc; tập trung thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc giúp đỡ thương bệnh binh nặng.
Thực hiện tốt việc chăm lo xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý trí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước với phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”.
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh tặng quà động viên các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bá Đoàn