Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Bắc Ninh tập trung bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.
Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu công nhận thêm 8 nghề truyền thống, 7 làng nghề và 12 làng nghề truyền thống; mỗi năm có 40 sản phẩm làng nghề được đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP; thu nhập bình quân của lao động tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng...
Để đạt được các mục tiêu trên, các Sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển làng nghề, nghề truyền thống. Hàng năm, tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; đặc biệt là công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phong trào chống rác thải nhựa và sử dụng sản phẩm truyền thống, thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động và cộng đồng dân cư.
Quy hoạch khu sản xuất, cụm công nghiệp làng nghề và xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với điểm du lịch làng nghề. Đẩy mạnh khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ mới vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp; chú trọng hỗ trợ đầu tư mua trang thiết bị máy móc tiên tiến, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề. Xây dựng kế hoạch, lộ trình để từng bước tiến tới thực hiện triệt để việc tách khu sản xuất của các làng nghề ra khỏi khu dân cư. Triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất ra khu, cụm công nghiệp làng nghề.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm của làng nghề, nghề truyền thống. Thực hiện gắn kết làng nghề với các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, nhất là hỗ trợ các cơ sở làng nghề mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ gắn với bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, quê hương. Bảo tồn và phát triển làng nghề trên cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm” trong các làng nghề nhằm hoàn thiện các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh.
Bá Đoàn