Theo Đề án, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh xây dựng và đưa vào hoạt động 19 điểm cửa hàng trưng bày, giới thiệu, cung ứng nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố. Trước mắt, trong năm 2021- 2022, thí điểm 3 điểm cửa hàng tại thành phố Bắc Ninh và các huyện, thị xã để rút kinh nghiệm trước khi triển khai diện rộng. Mỗi năm, tổ chức từ 1 đến 2 hội chợ triển lãm cấp tỉnh; xây dựng 1 trang website giới thiệu nông sản an toàn, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh…
Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục nhân rộng các điểm cửa hàng ra các địa phương trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch và triển khai xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng 1 Trung tâm mua bán, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn tại khu vực nút giao Tây Nam, thành phố Bắc Ninh.
Để đạt được mục tiêu trên, các Sở, ngành, địa phương tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ các cửa hàng quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh về đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị các điểm cửa hàng; chính sách hỗ trợ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, sản phẩm OCOP…
Rà soát quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các vùng sản xuất lớn, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn ngày càng tăng cho người dân trên địa bàn tỉnh. Chú trọng lựa chọn, ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến, phù hợp để sản xuất ra các loại sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giá thành hợp lý cung cấp cho các cửa hàng và thị trường.
Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu và sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP. Xây dựng quy chế quản lý, vận hành hệ thống điểm cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm từ cơ sở sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm.
Tổ chức cho cán bộ phụ trách nông nghiệp, nông dân chủ chốt, doanh nghiệp nông nghiệp, chủ trang trại tham quan các mô hình trong và ngoài nước để học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất nông sản an toàn, sản phẩm OCOP. Chú trọng đào tạo nâng cao trình độ, hiểu biết về quản lý, kiến thức về an toàn thực phẩm cho đội ngũ quản lý, kinh doanh của các chợ, siêu thị, cửa hàng.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh đảm bảo các mục tiêu đề ra.
PV