Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác ATVSLĐ, ngăn chặn, giảm thiểu số vụ và thiệt hại do TNLĐ và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ, bệnh nghề nghiệp xảy ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác ATVSLĐ. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác ATVSLĐ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhiều nguy cơ tai nạn lao động.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về ATVSLĐ. Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, công tác diễn tập để giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc ngành nghề, lĩnh vực có nhiều nguy cơ TNLĐ; thực hiện tốt công tác phối hợp điều tra, xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị để xảy ra TNLĐ, nhất là các vụ TNLĐ nghiêm trọng; đánh giá, phân tích nguyên nhân các vụ TNLĐ, từ đó rút kinh nghiệm, phổ biến rộng rãi trong toàn tỉnh; triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng tránh TNLĐ tương tự tái diễn, lặp lại; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm việc huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ngành nghề, lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ; xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị, người sử dụng lao động để xảy ra TNLĐ và vi phạm pháp luật ATVSLĐ.

Sở Y tế chỉ đạo tổ chức hoạt động thông tin giáo dục truyền thông, hướng dẫn, giám sát, tập huấn, huấn luyện chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, sơ cứu, cấp cứu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định quan trắc môi trường lao động tại các doanh nghiệp; đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc bố trí người làm công tác y tế cơ sở theo đúng quy mô, tính chất lao động, nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Sở Xây dựng tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSLĐ trong thi công xây dựng; kịp thời nắm bắt thông tin, hướng dẫn, chỉ đạo xử lý sự cố trong thi công xây dựng nếu xảy ra. Sở Công thương tăng cường quản lý ATVSLĐ trong các cụm công nghiệp; chủ trì, phối hợp hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATVSLĐ trong an toàn hóa chất, an toàn điện, vật liệu nổ công nghiệp; quản lý chặt chẽ các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc thẩm quyền của ngành Công thương.

Công an tỉnh duy trì lực lượng thường trực, tiếp nhận thông tin các vụ việc cháy, nổ, sự cố, tai nạn, huy động nhanh nhất lực lượng, phương tiện để tổ chức chữa cháy, kịp thời cứu người, cứu tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt là Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về công tác ATVSLĐ cho đoàn viên, người lao động; phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ, điều tra tai nạn lao động.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền về công tác ATVSLĐ của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại các cụm công nghiệp, làng nghề. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác ATVSLĐ.

Bá Đoàn