Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì Hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố dự.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động trong công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng; xây dựng các kế hoạch triển khai; tiến hành kiểm tra định kỳ trên 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc. Trong đó, năm 2024, Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã triển khai 80 đoàn kiểm tra thực hành sản xuất tốt, tạm dừng hoạt động 1 phần của 1 cơ sở. Thanh tra Bộ Y tế cũng tiến hành 50 đoàn thanh tra về lĩnh vực dược, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng.
Trong năm 2024, hệ thống kiểm nghiệm Nhà nước đã tiến hành lấy mẫu trên 43.000 mẫu thuốc, phát hiện 228 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, 23 mẫu nghi ngờ là thuốc dược liệu giả… Tuy nhiên, các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả vẫn chưa được xử lý triệt để, còn có những vụ việc xảy ra.
Tình trạng sản xuất, buôn bán sữa giả, thực phẩm chức năng giả gần đây cũng diễn ra, có xu hướng gia tăng. Một số vụ phát hiện có số lượng lớn. Sản phẩm sản xuất tinh vi, khó phát hiện là hàng giả tập trung vào thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, các sản phẩm sữa, bột gia vị, dầu ăn…
Tham luận tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm 2024 - 2025, Sở Y tế đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm trên địa bàn. Đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 1 cơ sở sản xuất thuốc, 4 cơ sở sản xuất mỹ phẩm, 78 nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh. Trong đó xử lý vi phạm đối với 11 cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc, thiết bị y tế; 1 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm với tổng tiền phạt hơn 472 triệu đồng.
Hiện tại, Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào nội dung: Thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng giả, kém chất lượng theo các thông báo, chỉ đạo của Bộ Y tế; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm; lấy mẫu kiểm tra chất lượng… Đến nay, chưa phát hiện thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng giả tại các cơ sở kinh doanh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác này để ứng phó kịp thời với các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.
Thứ trưởng yêu cầu các địa phương triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm; tăng cường công tác truyền thông nâng cao ý thức người dân. Các đơn vị trong ngành Y tế tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tăng cường xử lý vi phạm và bảo vệ sức khỏe của người dân.
Bá Đoàn