Kiểu nhà có ban công hàn bịt kín cố định dạng
Kiểu nhà có ban công hàn bịt kín cố định dạng "chuồng cọp" đã vô tình bịt lối thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Chuồng cọp” là tên gọi nôm na để chỉ các ngôi nhà có ban công hoặc cửa chính được hàn kiên cố bằng khung sắt, Inox… với tâm lý của người dân “rào cho chắc, buộc cho chặt” nhằm đề phòng trộm cắp, đảm bảo an ninh, song vô tình chặn mất lối thoát nạn của gia đình khi sự cố cháy nổ xảy ra. Thực tế thời gian qua, có không ít vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản liên quan đến “chuồng cọp”.

Đối với những kiểu nhà dạng ống gần như chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất. Tuy nhiên, khi có cháy, lối thoát này bị khói, lửa chặn. Vì thế, nếu các hộ lắp đặt “chuồng cọp” thì phương thức tối ưu nhất của lực lượng PCCC là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn. Thời gian phá bỏ các “chuồng cọp” còn tùy thuộc vào nhiều lý do, có thể dẫn tới không kịp cứu người. Do đó, những “chuồng cọp” càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn bởi đường thoát nạn bị bịt kín.

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC, toàn tỉnh hiện có 303.169 nhà chỉ để ở và 23.385 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Để nâng cao ý thức người dân trong công tác PCCC, với phương châm rà soát đến đâu, tuyên truyền khuyến cáo người dân mở lối thoát nạn thứ 2 đến đó, lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp vận động các gia đình tháo dỡ “chuồng cọp” để khi xảy ra hỏa hoạn, người dân có thể thoát nạn một cách nhanh chóng và an toàn. Kết quả, hàng trăm nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trong tỉnh được tháo dỡ “chuồng cọp.

Lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”. Thông qua các mô hình, giúp mỗi gia đình, người dân được hướng dẫn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về an toàn PCCC và CNCH, kết hợp việc khuyến khích các gia đình ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC; phấn đấu mỗi gia đình có ít nhất một thành viên được tập huấn về công tác thoát nạn, PCCC và trang bị ít nhất một bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực…) để ứng phó khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Tính đến ngày 10-9, toàn tỉnh thành lập được 396 “Tổ liên gia an toàn về PCCC” (trong đó có 260 tổ được thực tập phương án PCCC) và 585 “Điểm chữa cháy công cộng”; hơn 60% gia đình toàn tỉnh đã trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ thô sơ để xử lý tình huống khi xảy ra cháy…

Lãnh đạo phòng Cảnh sát PCCC khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên bịt kín hoàn toàn ngôi nhà, ngược lại cần chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công hoặc khu vực tầng thượng. Trong trường hợp lắp “chuồng cọp” cần thiết kế ô cửa có khóa và để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở.

Khi xảy ra hỏa hoạn, người trong nhà có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng. Nếu trong nhà không có dây thừng, người dân có thể dùng rèm, màn, quần áo nối với nhau để trèo xuống qua ô cửa. Với những nhà xây mới, người dân nên bố trí lối thoát nạn đủ kích thước.

Mỗi người dân cần có ý thức tự trang bị các kỹ năng bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ, tạo lối thoát hiểm cho căn nhà, không vì phòng trộm mà vô tình tự bịt đi lối thoát, đường sống của chính mình.

Bá Đoàn