“Có đến 80% số bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Hà Nội là tay ngang, thậm chí chỉ học chứng chỉ 3 tháng sau đó ra hành nghề", một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng tại Hà Nội tiết lộ.
Theo vị bác sỹ này, từ mấy năm trở lại đây, do nhìn thấy lợi nhuận mà ngành thẩm mỹ đem lại nên nhiều bác sỹ từ ngoại khoa, đến bác sĩ da liễu... đã nhảy sang làm thẩm mỹ.
Trong đó, có nhiều người chỉ học chứng chỉ 3 tháng sau đó ra hành nghề, và thu hút khách hàng bằng việc chi tiền quảng cáo một cách rầm rộ, nhiều người còn thuê dư luận viên vào các diễn đàn như: lamchame, webtretho... để khuấy dư luận và đánh vào tâm lý bầy đàn, ham rẻ của người Việt.
Bởi ai cũng biết, khách hàng của chúng ta thường chỉ thích nghe những mỹ từ, mà không có thói quen tìm hiểu thực chất của vấn đề.
“Điều này, khác hẳn với các nước khác trên thế giới. Trên thế giới, khi khách hàng đến gặp bác sỹ, việc đầu tiên bao giờ họ cũng bắt bác sỹ phải trình bằng cấp, chứng chỉ mà vị bác sỹ đó có. Sau đó, người ta nghiên cứu rất kỹ về vấn đề bệnh lý.
Vì vậy, các bác sĩ ở nước ngoài bao giờ cũng tư vấn cho khách cả 2 mặt, bao gồm hiệu quả và khả năng biến chứng có thể xảy ra khi tiến hành phẫu thuật để cho khách hàng biết.
Trong khi đó, bác sỹ của ta thường giấu nhẹm những khả năng biến chứng, hoặc những hậu quả mà khách hàng có thể gặp phải mà chỉ đề cập đến mặt ưu điểm. Họ hay dùng những mỹ từ để thu hút khách hàng, ví dụ như: triệt lông vĩnh viễn, đặt túi ngực vĩnh viễn... trong khi thực tế, không có gì là vĩnh viễn cả”, vị bác sĩ này nói.
Vẫn theo lời vị bác sỹ này thì ở Việt Nam, sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, vị bác sỹ này để ý rất kỹ nhưng chưa từng có một khách hàng nào hỏi về bằng cấp, giấy phép hành nghề của mình.
Số người quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của các chất liệu sẽ sử dụng để đưa vào trong cơ thể khách hàng cũng chỉ chiếm 20%. Phần còn lại, khách hàng chỉ quan tâm đến giá thành, hoặc yêu cầu dùng nguyên liệu tốt, sau đó phó mặc sự tin tưởng cho lương tâm của bác sĩ.
Việc này, vô tình đã tạo ra lỗ hổng cho sự gian đối khiến nhiều khách hàng phải trả giá cao nhưng lại không được sử dụng chất liệu như số tiền đã bỏ ra.
Ngoài ra, vị bác sĩ này còn cho biết, theo quy định, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của các trung tâm thẩm mỹ phải đăng ký hồ sơ làm cộng tác viên ở 1 bệnh viện, sau đó phải được bệnh viện thẩm định về chuyên môn.
Khi có ca phẫu thuật, bệnh nhân phải được đưa vào bệnh viện mà bác sĩ đã đăng ký làm cộng tác viên rồi mới thực hiện mổ. Nhưng khi vào viện, bác sĩ sẽ phải chi ra một khoản tiền từ 15 -20 triệu cho chi phí thực hiện mổ trong bệnh viện (số tiền này đã được tính trọn gói với khách hàng từ trước đó). Vì vậy, việc được mổ trong bệnh viện cũng là quyền lợi của khách hàng.
“Tuy nhiên, nhiều khách hàng của mình không biết, khi đến phẫu thuật lại thích được mổ ở phòng mạch cho kín đáo... Vì thế, nhiều bác sĩ đã bỏ qua giai đoạn phẫu thuật tại bệnh viện mà thực hiện luôn tại phòng mạch theo ý khách hàng, và tiết kiệm được khoản tiền chi trả cho bệnh viện kia. Sau đó các bác sĩ chỉ giảm cho khách hàng chút ít, phần còn lại thì dôi ra cho bác sĩ.
Điều đó có nghĩa là, nếu bệnh nhân lựa chọn mổ tại phòng mạch thì bệnh nhân được mổ rẻ hơn, bác sĩ lại cũng có lãi nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu chưa kể đến những bất trắc có thể xảy ra khi thực hiện mổ tại phòng mạch thì tính ra bệnh nhân vẫn là những người bị thiệt nhiều”, vị bác sĩ này tiết lộ.
Vì vậy, vị bác sĩ này cho rằng, để tránh tạo điều kiện cho những gian lận có thể xảy ra, khách hàng nên là những người thông thái tìm hiểu kỹ trước khi quyết định lựa chọn cơ sở thẩm mỹ. Và khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, tốt nhất nên có người thân, hoặc bạn bè đi kèm.
Theo VNN