Điều đáng nói là, người bán cứ vô tư bán, còn người mua thì chỉ cần rút “hầu bao” là có thể mua được những chai rượu này giữa “thanh thiên, bạch nhật”, mà không gặp phải bất cứ sự kiểm soát nào từ phía cơ quan chức năng.
LTS: Là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Thương hiệu và Công luận đăng tải loạt bài viết này mới mục đích tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận kinh tế của các cơ quan chức năng TP. HCM tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị kinh doanh, buôn bán đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; Lên án hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế phát sinh những hệ lụy không đáng có cho người dân địa phương và xã hội… |
Rượu ngoại không nhãn phụ, vẫn được bày bán công khai
Tại khoản 3, Điều 7, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc…”.
Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Theo khảo sát (nhiều ngày, tại nhiều cửa hàng) của phóng viên Thương hiệu và Công luận thì hàng loạt cửa hàng chuyên kinh doanh các loại rượu ngoại trên địa bàn TP. HCM vẫn công khai bày bán ra thị trường các loại rượu ngoại nhập khẩu như: Rượu vang, rượu ngoại có nồng độ cao >30% Vol, hoàn toàn 100% là chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, đơn vị nhập khẩu, phân phối… gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, có dấu hiệu vi phạm những quy định hiện hành.
Cụ thể, tại cửa hàng kinh doanh bia – rượu – đồ uống nhập khẩu Wine Shop, địa chỉ: 233 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, khi được hỏi về rượu vang, thì chủ cửa hàng không ngần ngại giới thiệu cho phóng viên các loại rượu vang nhập khẩu nguyên chai như: PRIMITIVO DI MANDURIA, EMILIO MORO, PIQUERAS…
Bên cạnh đó, là các dòng rượu ngoại nhập khẩu nồng độ cao như: CHIVAS, ABSOLUT VODKA, JOSE CUERVO cũng được bày bán trên kệ. Nhưng, điều đáng nói là, trên những chai rượu này đều là tiếng nước ngoài, và không có nhãn phụ tiếng Việt ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, đơn vị nhập khẩu, phân phối… theo quy định.
Thắc mắc về việc, tại sao rượu ngoại lại không được dán nhãn phụ theo đúng quy định? thì chủ cửa hàng này khẳng định: “Bên anh có tem phụ, nhưng làm biếng không dán, không có tem phụ thì sẽ bị Quản lý thị trường phạt”.
Tương tự, tại cửa hàng chuyên rượu vang và thực phẩm chính gốc Pháp có tên Wines & Foods (trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh), phóng viên không khó để bắt gặp các dòng vang có dán tem nhập khẩu như: CHATEAU DES COMBES, MONTEPULCIANO D’ABRUZZO LA CACCIATORA, H NEGROAMARO DEL SALENTO…, nhưng trên những chai rượu đang được bày bán tại đây không hề có nhãn phụ tiếng Việt. Một số sản phẩm có dán nhãn phụ, thì lại có dấu hiệu bị tẩy xóa.
Tại cửa hàng Thế giới rượu, địa chỉ 411B Nguyễn Tri Phương, P.5, Q.10, phóng viên như lạc vào “ma trận rượu” với đủ các dòng từ vang đến rượu mạnh nhập khẩu. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, các loại rượu ngoại có nồng độ cao như: XO, MACALLAN... đang bày bán tại đây cũng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, điều này khiến người mua không khỏi thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ, và chất lượng của sản phẩm. Bởi, đây là những loại rượu ngoại có giá bán ra thị trường rất cao.
Ngoài ra, các loại rượu vang nhập khẩu được bày bán tại cửa hàng này, trên nhãn phụ không ghi rõ thông tin về thành phần, nơi sản xuất, địa chỉ cụ thể nào bằng tiếng Việt. Mà chỉ ghi nhà phân phối và nhập khẩu rượu: “Thương hiệu: Thế giới rượu, 253, Nguyễn Tri Phương, P.5, Q.10. TP. HCM kèm số điện thoại”.
Ban chỉ đạo 389 và Cục Quản lý thị trường TP. HCM kiểm tra, kiểm soát thế nào?
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận dù chỉ vài chục mét, thì đã có đến 03 cửa hàng kinh danh rượu nhập khẩu. Nhưng, hầu hết trên các sản phẩm rượu này đều không nhãn phụ tiếng Việt, hoặc nếu có, thì lại không ghi đầy đủ thông tin về sản phẩm theo đúng quy định, hoặc có dấu hiệu bị tẩy xóa.
Đơn cử như, tại cửa hàng Ánh Linh, 46C, Nguyễn Văn Trỗi, P.15, quận Phú Nhuận bày bán la liệt các loại vang nhập khẩu như: LOUIS ESCHENAUER, RIPA DI SOTTO CUVÉE, FAMIlY COLLECTON ARESTI…, có giá từ 300 nghìn đồng đến gần 1 triệu đồng (tùy loại). Tuy nhiên, trên những chai rượu này đều không có nhãn phụ mô tả thông tin rượu nhập khẩu, một số loại có nhãn phụ, thì thông tin trên nhãn rất mờ, có dấu hiệu bị tẩy xóa.
Đặc biệt, đối với các dòng rượu ngoại, có nồng độ cao như: ABSOLUT MANGO, ABSOLUT CITRON, MACCALLAN, CHIVAS…, thì dường như người mua chỉ được biết về “cửa hàng cung cấp: Ánh Linh, 46C, Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, TP. HCM”, còn tên sản phẩm, xuất xứ, nồng độ trên những chai rượu này thì chỉ toàn là chữ nước ngoài.
Tương tự, dù cửa hàng Phương Trang bên cạnh StarBuck coffee (66 Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận) bày bán các dòng vang nhập, như: MARJOSSE 2016 (có giá 680 nghìn đồng), MAISON CASTEL 2018 (có giá 550 nghìn đồng), CHATEAU TERRE BLANQUE (có giá 480 nghìn đồng), nhưng người mua cũng không biết được thông tin cụ thể về những chai rượu này bằng tiếng Việt.
Còn tại cửa hàng WineMart, 140 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, quận Phú Nhuận dù nhân viên tại đây tư vấn rất nhiệt tình, như: “Giá của các dòng rượu vang nhập khẩu từ các nước như: Pháp, Ý, Mỹ, Úc… có giá từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/tùy loại/chai. Mỗi thùng có 6 chai, nếu khách hàng mua 2 đến 3 thùng thì sẽ được giảm giá…”.
Tuy nhiên, khi được thắc mắc vì sao trên những chai rượu vang nhập khẩu này lại không có nhãn phụ tiếng Việt? thì nhân viên cửa hàng WineMart khẳng định: “Đây là rượu nhập, do cửa hàng là đơn vị phân phối nên, không có nhãn phụ”.
Trước thực trạng nêu trên, thì câu hỏi đặt ra là: Liệu các cơ quan chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 TP. HCM, Cục Quản lý thị trường có nắm bắt được thực trạng này hay không? Chức năng kiểm tra, giám sát các mặt hàng thuộc danh mục đặc biệt của các cơ quan này thế nào? Vì sao các loại rượu nhập khẩu không có nhãn phụ lại được hàng loạt cửa hàng kinh doanh rượu công khai bán ra thị trường giữa “thanh thiên, bạch nhật” như vậy?
Để bảo đảm sự tôn nghiêm của luật pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị kinh doanh đúng quy định, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, tạo sự minh bạch, rõ ràng cho thị trường kinh doanh rượu nhập khẩu…, dư luận đang chờ sự vào cuộc, kiểm tra và có câu trả lời cụ thể, rõ ràng từ phía các cơ quan chức năng có thẩm quyền của TP. HCM.
Bán rượu nhập lậu phạm tội gì? Theo khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC, rượu nhập lậu là rượu thành phẩm, rượu bán thành phẩm có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, không có đủ hoá đơn chứng từ. Buôn bán rượu nhập lậu là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, việc buôn bán rượu nhập lậu sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Bán rượu lậu bị xử lý hình sự thế nào? Cá nhân buôn bán rượu nhập lậu có thể bị đi tù đến 20 năm Căn cứ Điều 188, cá nhân phạm tội buôn lậu sẽ bị phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi: (i) Số rượu lậu có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên; (ii) Số rượu lậu có trị giá dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi quy định về tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vật phạm pháp trị giá từ 300 đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên… thì bị phạt tiền từ 300 triệu – 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 – 07 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 1,5 – 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07 – 15 năm khi vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. Nặng nhất, người phạm tội còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 12 – 20 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: (i) Vật phạm pháp trị giá 01 tỷ đồng trở lên; (ii) Thu lợi bất chính 01 tỷ đồng trở lên; (iii) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác. Ngoài ra, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, cá nhân buôn bán rượu nhập lậu có thể bị phạt tiền đến 05 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 20 năm. Doanh nghiệp buôn bán rượu lậu có thể bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng Theo khoản 6 Điều 188, doanh nghiệp hay pháp nhân thương mại buôn bán rượu lậu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu sẽ bị xử lý như sau: Phạt tiền từ 300 triệu – 01 tỷ đồng khi: (i) Số rượu lậu có trị giá từ 200 đến dưới 300 triệu đồng; (ii) Số rượu lậu có trị giá từ 100 đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi quy định về tội buôn lậu; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Phạt tiền từ 01 – 03 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: (i) Có tổ chức; (ii) Có tính chất chuyên nghiệp; (iii) Vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đến dưới 500 triệu đồng; (iv) Thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng; (v) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia; (vi) Phạm tội 02 lần trở lên; (vii) Tái phạm nguy hiểm. Phạt tiền từ 03 – 07 tỷ đồng nếu vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. Phạt tiền từ 07 – 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm khi thuộc một trong các trường hợp: Vật phạm pháp trị giá 01 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 01 tỷ đồng trở lên; Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm. Hình phạt bổ sung có thể áp dụng với pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu là phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 – 03 năm. Theo quy định trên, pháp nhân thương mại khi phạm tội buôn lậu có thể bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng hoặc thậm chí là bị đình hoạt động vĩnh viễn. Buôn bán rượu lậu bị phạt hành chính ra sao? Trường hợp buôn bán rượu nhập lậu dưới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cá nhân, tổ chức thực hiện có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cụ thể: “1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau: b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. 2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây: a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu…” Căn cứ điểm b, khoản 4, Điều 4, Nghị định 98, mức phạt trên được quy định đối với cá nhân vi phạm. Theo đó, người bán rượu lậu có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, nếu trực tiếp nhập lậu thậm chí còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì bị phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. |
Thương hiệu và Công luận tiếp tục thông tin đến bạn đọc về thực trạng các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật đang được công khai bán ra thị trường tại TP. HCM ở các bài tiếp theo.
Thuận Yến – Nguyễn Trung