Các “Tư lệnh” ngành đã thực hiện lời hứa với cử tri như thế nào?

LTS: Việc thực hiện lời hứa với cử tri rất quan trọng đối với “Tư lệnh” ngành. Bởi lời hứa đó thể hiện, trong thời gian qua, “Tư lệnh” ngành đã làm được những gì trên cương vị Bộ trưởng, được Đảng và Nhà nước giao trọng trách quan trọng lãnh đạo, điều hành một ngành của cả đất nước.

Trong bài viết về thực hiện lời hứa của “Tư lệnh” ngành với cử tri, trước Quốc hội, Tạp chí Thương hiệu và Công luận mong muốn, “Tư lệnh” ngành xây dựng một thương hiệu cho cá nhân và ngành của mình để phục sự Tổ quốc, như Bác Hồ căn dặn để Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”, còn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đó là “Tổ quốc trên hết!”

Ai cũng biết, ông Huỳnh Thành Đạt làm “Tư lệnh” ngành khoa học và công nghệ trong thời điểm, trước đó ngành này đang “dính” nhiều lùm xùm. Thứ trưởng, Vụ trưởng và cán bộ “dính” vòng lao lý vì liên quan đến kit test Việt Á. Ông Huỳnh Thành Đạt nhậm chức trong thời điểm khó khăn nên những thành tích đạt được rất đáng trân trọng và phải khẳng định có dấu ấn chỉ đạo của cá nhân người đứng đầu rất nhiều.

Các thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Phạm Công Tạc, Trần Văn Tùng, Lê Xuân Định và Nguyễn Hoàng Giang (từ trái qua) chúc mừng Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trong lễ nhậm chức chiều 15/11/2020. (Ảnh: Ngọc Thành)
Các Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Trần Văn Tùng, Lê Xuân Định và Nguyễn Hoàng Giang chúc mừng Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trong lễ nhậm chức chiều 15/11/2020. Ảnh Ngọc Thành.

Những điểm sáng của khoa học công nghệ

Năm 2023 ghi dấu ấn nhiều kết quả của các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, tự nhiên, công nghệ sinh học, nông nghiệp, an ninh quốc phòng, khoa học y dược, công nghệ cao. Đánh giá của lãnh đạo Chính phủ cho thấy: "Khoa học năm qua có nhiều điểm sáng" dù khoa học công nghệ vốn không phải lợi thế của Việt Nam, chưa có đủ nguồn lực và cơ chế đủ mạnh để phát triển, thậm chí cơ chế còn là rào cản phát triển.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm qua ngành tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều hoạt động của khoa học công nghệ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào các mục tiêu tăng trưởng.

"Điểm sáng" ngành năm 2023 thể hiện Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Việc chỉ số GII liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

Lần đầu tiên, bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được xây dựng và triển khai trên toàn quốc từ năm 2023, giúp Việt Nam có thêm công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia.

Ban Tổ chức trao chứng nhận 10 sự kiện KHCN nổi bật năm 2023 cho đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân (Ảnh: dangcongsan.vn)
Ban Tổ chức trao chứng nhận 10 sự kiện KHCN nổi bật năm 2023 cho đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân  Ảnh dangcongsan.vn.

Năm 2023 cũng ghi dấu ấn sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, năng động, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất Châu Á và đứng thứ 58 thế giới. Thành phố Hà Nội lần đầu tiên lọt vào TOP 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giữ được mức phát triển tốt so với các nước khu vực ASEAN (với 56 dự án, tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023).

Các chợ công nghệ, sàn giao dịch trong chuyển giao công nghệ được hình thành, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao. Chương trình kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia, vùng, địa phương và quốc tế tạo cơ hội để các viện, trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư kết nối, thúc đẩy cung cầu công nghệ.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang có xu hướng phát triển tích cực. Cả nước có 20 trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo địa phương, hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 170 trường đại học tổ chức hoạt động khởi nghiệp với 43 vườn ươm.

Năm 2023 có 14.000 tiêu chuẩn Việt Nam và gần 800 quy chuẩn Việt Nam ban hành, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%), thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn và ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng.

Hệ thống bảo hộ, quyền sở hữu trí tuệ, có 132 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, góp phần thay đổi giá trị và tác động của các ngành hàng.

Nhiều thành tựu khoa học công nghệ ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội

Trong nông nghiệp, từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng vào sản xuất.

Khoa học và công nghệ đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Lĩnh vực khoa học y - dược, Việt Nam thực hiện thành công ca ghép đa tạng gồm tim và thận từ người hiến đa tạng chết não; phối hợp ghép tạng xuyên Việt... là những thành tựu đáng ghi nhận.

Ca ghép đa tạng tim-thận trên một bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam thành công. (Nguồn: Báo Chính phủ)
Ca ghép đa tạng tim-thận trên một bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam thành công. (Ảnh: VGP)

Với lĩnh vực công nghệ cao, việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn được chú trọng. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt gần 50% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu, thực hiện các nhiệm vụ về phát triển các công nghệ chủ chốt Việt Nam có lợi thế như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, robot tiên tiến, in 3D, công nghệ thực tế ảo...

Tại các địa phương, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao công nghệ, phát triển các sản phẩm chủ lực làm gia tăng giá trị sản phẩm, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Tỉnh Thái Nguyên sản xuất, chế biến cho hơn 20.000 ha giống chè mới chất lượng cao đạt doanh thu 7.800 tỷ đồng/năm.

Tỉnh Sơn La, Nghệ An ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, bảo hộ tài sản trí tuệ nâng giá trị sản xuất bình quân tăng 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh kết nối giữa các doanh nghiệp của địa phương và các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Châu Âu về kết nối cung cầu công nghệ, chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Các nghiên cứu về khoa học xã hội nhân văn đóng góp tích cực và cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, xây dựng các Văn kiện Đại hội Đảng, góp phần triển khai chính sách và định hướng phát triển kinh tế xã hội.

Thống kê của SCImago năm 2022 các lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng tăng vị trí đáng kể trên bảng xếp hạng các khoa học trên thế giới và khu vực so với năm 2016. Nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận cùng số lượng bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế và sáng chế được bảo hộ của người Việt Nam gia tăng.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong năm 2024 nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học công nghệ tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện chủ trương của Đảng về hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ sinh học. Bên cạnh đó đẩy mạnh triển khai chương trình khoa học công nghệ quốc gia, nhất là công nghệ thúc đẩy sản phẩm quốc gia.

Để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế-xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ; nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN và ĐMST.

Lời hứa đối với cử tri 

Các thành viên Chính phủ, “Tư lệnh” ngành là Đại biểu Quốc hội, quá trình vận động trước bầu cử cũng như sau mỗi kỳ họp đều phải tiếp xúc cư tri để báo cáo công việc đã thực hiện và lắng nghe những kiến nghị để có trách nhiệm hỗ trợ giải quyết, báo cáo Quốc hội các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực của mình đang công tác. Thế nên, việc thực hiện lời hứa với cử tri rất quan trọng, bởi họ đã tin tưởng và dùng lá phiếu của mình để bầu cho các “Tư lệnh” ngành là Đại biểu Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tức là những Đại biểu Quốc hội dùng lá phiếu của mình để bầu, lại cho kết quả không được vui đối với “Tư lệnh” ngành khoa học công nghệ. Cụ thể, ông Huỳnh Thành Đạt nhận số phiếu tín nhiệm thấp là 71 phiếu, nhiều thứ hai của tổng số 22 “Tư lệnh” ngành thuộc khối Chính phủ.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt có số phiếu ‘tín nhiệm cao’ thấp nhất trong số 22 “Tư lệnh” ngành thuộc khối Chính phủ, chỉ đạt 187 phiếu.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo "Định hướng nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam" ngày 17/4/2024. Ảnh VGP/HG.

Những điểm sáng và thành tựu của ngành khoa học công nghệ rất ấn tượng. Thế nhưng Báo cáo tóm tắt kết quả Chỉ số Cải cách Hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ… do Bộ Nội vụ công bố thì chẳng ấn tượng, không hề sáng chút nào. Về chỉ số cải cách hành chính thì Bộ Khoa học và Công nghệ đứng thứ 13/17 bộ trong danh sách xếp hạng.

Năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ không đạt tỷ lệ điểm tối đa tại các tiêu chí  như: Kiểm soát quy định thủ tục hành chính; Công bố, công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết hồ sơ; Kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; nằm trong số 6/17 Bộ có kết quả chỉ số thành phần dưới 70%.

Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị đứng thứ hai từ dưới bảng lên về Chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính, giá trị 70%.

Với chỉ số thành phần cải cách thể chế, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa hoàn thành kế hoạch đúng tiến độ được giao trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình xây dựng pháp luật đã được phê duyệt. Là đơn vị không đạt điểm tối đa tại tiêu chí đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Khoa học công nghệ là ngành đặc thù. Thế nhưng không thể vì đặc thù mà những vấn đề hiện đang tồn tại, cần phải có kế hoạch căn cơ giải quyết như: Vi phạm sở hữu trí tuệ, vấn đề sở hữu trí tuệ; Tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam còn thấp hơn với thế giới và khu vực nhiều dẫn đến hàng hóa xuất khẩu có nhiều nguy cơ bị trả lại; Nghiên cứu khoa học, đề tài, kinh phí chưa bao giờ thôi "nóng" bởi chất lượng chưa tương xứng với kinh phí; Hạ tầng cơ sở cho nghiên cứu khoa học cơ bản hiện tại vẫn khiêm tốn nhưng lại không triển khai hiệu quả vốn kế hoạch Nhà nước giao cho đầu tư công....

Chúng tôi nêu các thông số trên, chỉ với mong muốn, “Tư lệnh” ngành lắng nghe, thực hiện lời hứa với cử tri quyết liệt như trong chỉ đạo điều hành công việc để khẳng định thương hiệu cá nhân, để lần bỏ phiếu tín nhiệm tới, cử tri phải ấn tượng với phiếu tín nhiệm cao; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Hoàng Vũ – Minh An