Ở loạt bài trước, phóng viên (PV) tạp chí Thương hiệu và Công luận đã cung cấp tới độc giả những xác minh bước đầu liên quan đến loại hình kinh doanh của Tập đoàn Enagic cũng như quá trình thâm nhập vào các hệ thống đại lý của Enagic tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, qua nhiều lần trao đổi bằng thư điện tử với đại diện của Tập đoàn tại Thái Lan, Nhật Bản, cả hai đơn vị này đều khẳng định hình thức kinh doanh của họ là mô hình kinh doanh MLM (tiếp thị đa cấp), hoa hồng từ việc giới thiệu, chia sẻ và bán sản phẩm cho người khác chính là phần thưởng và là nguồn thu nhập chính của các đại lý.
Bên cạnh đó, đại diện của Enagic tại Thái Lan cũng cung cấp danh sách 05 đại lý chính thức của đơn vị này tại thị trường Việt Nam mà PV đã nêu ở bài trước.
Qua tìm hiểu và thâm nhập thực tế, những chân rết của các đại lý này đang hoạt động mời chào khách hàng tham gia vào hệ thống để hưởng lợi từ những khoản hoa hồng được chuyển từ chính hãng Enagic tại Thái Lan trả trực tiếp vào tài khoản của họ.
Sau khi tiếp cận và đặt câu hỏi, một số đại lý cố tình né tránh trả lời, một số đã trả lời trực tiếp liên quan đến loại hình kinh doanh sản phẩm và chỉ khẳng định rằng: Họ chỉ nhập máy và bán máy thông thường, không kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ hồ sơ do những đơn vị này cung cấp, cùng với việc tham gia trải nghiệm tại các buổi hội thảo và theo chân các đại lý tới những đơn vị này để lấy hàng, mới thấy nhiều dấu hiệu bất thường liên quan đến hoạt động kinh doanh có dấu hiệu “ngụy trang” cần được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Bất thường từ đơn giá nhập vào, bán ra
Tại buổi làm việc với đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Kỹ Thuật Kangen Hoàn Nguyên tại Hà Nội, PV được đơn vị này cung cấp bộ hồ sơ hải quan liên quan đến các sản phẩm mang thương hiệu Kangen. Trên hồ sơ thể hiện, thủ tục nhập khẩu hàng hóa được giải quyết Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó, bộ hồ sơ hải quan mà đơn vị này cung cấp khá đầy đủ, bao gồm danh mục hàng hóa, giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bao gồm thuế nhập khẩu và thuế VAT 10%) thể hiện rất rõ đơn giá nhập về, các khoản thuế, phí phải nộp,… từ đó sẽ tính được giá thành một sản phẩm.
Cụ thể, tại tờ khai thông quan mang số: 106 294 275 620 ngày 21/5/024 áp dụng cho sản phẩm máy lọc nước điện giải Kangen Water Model LEVELUK K8 (A26-00), nhà sản xuất: Enagic thể hiện: Đơn giá nhập về từ nhà sản xuất là 4.800USD (tính tỷ giá USD ngày 21/5/2024 là 25.450VND/USD) tương đương với 122.160.000đ/sản phẩm, thuế nhập khẩu 5% là 6.108.000đ/sản phẩm, thuế VAT 10% là 12.216.000đ/sản phẩm. Cộng cả ba mục trên, giá nhập về tại địa điểm lưu kho 18IDC02 (Tiên Sơn, Bắc Ninh) là 140.484.000đ/sản phẩm. Cần phải lưu ý thêm rằng, giá trên chưa bao gồm phí vận chuyển từ Bắc Ninh về kho tại Hà Nội, các khoản chi phí khác.
Căn cứ theo báo giá trên catalog quảng cáo của đơn vị này, giá áp dụng cho sản phẩm này đang được bán tại thị trường Việt Nam thời điểm tháng 5/2024 là 139.000.000/sản phẩm. Và thực tế trên hóa đơn xuất cho khách hàng thời điểm tháng 5/2024 áp dụng cho sản phẩm Máy lọc nước điện giải LEVERLUK K8 được tính với mức giá 139.000.000đ/sản phẩm (đã bao gồm VAT). Như vậy có thể thấy rằng, giá giá bán ra của đơn vị này vào thời điểm tháng 5/2024 đang thấp hơn giá nhập vào gần 1.5 triệu đồng/sản phẩm.
Với cách tính như vậy, ngoài các chi phí khác, chỉ tính riêng với việc so sánh giá nhập vào, Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Kỹ Thuật Kangen Hoàn Nguyên đang chấp nhận bù lỗ cho khách hàng với mức 1.5 triệu đồng một sản phẩm? Liệu rằng cơ quan thuế có thu được đồng nào từ hoạt động kinh doanh bị lỗ này hay không?
Vậy khoản thu nhập của các đại lý này ở đâu?
Trước đó, sau nhiều lần tiếp cận Chi nhánh Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Kỹ Thuật Kangen Hoàn Nguyên tại Hà Nội, dường như biết được ý đồ khai thác thông tin của PV, nhân viên tại cơ sở này rất dè dặt trong việc chia sẻ thông tin về sản phẩm. Theo đó, trước khi chia sẻ thông tin về sản phẩm, nhân viên này hỏi rất kỹ ai giới thiệu anh, chị (PV) tới đây? Anh chị đi theo hệ thống của ai? … Trả lời câu hỏi liên quan đến việc mong muốn được giảm giá khi mua sản phẩm tại đây, nhân viên này cũng gợi ý khi mua hàng xong phải nhập ID (mã số) máy theo ID của người giới thiệu rồi từ đó sẽ được người giới thiệu đó trả lại phần hoa hồng của nhà máy cho người mua hàng, như vậy mua hàng mới rẻ được.
Xin được nhắc lại rằng, Công ty TNHH Enagic tại Thái Lan – đơn vị đang trực tiếp chuyển hàng cho 05 đại lý tại Việt Nam phân phối sản phẩm máy lọc nước ion kiềm mang thương hiệu Kangen đang áp dụng loại hình kinh doanh đa cấp. Việc trích thưởng hoa hồng từ việc giới thiệu, chia sẻ và bán sản phẩm của Enagic cho người khác chính là phần thưởng và là thu nhập chính. Công ty này không có bất kỳ hình thức chiết khấu, giảm giá nào dành cho các đại lý. Vậy nguồn thu nhập của những đại lý này nằm ở đâu?
Trong quá trình thâm nhập thực tế, PV theo chân một vị khách hàng đến địa chỉ của một thủ lĩnh kinh doanh máy lọc nước tại địa chỉ Số BT15 – C37 Bắc Hà, Khu đô thị mới Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ghi nhận được: Sau khi nghe tư vấn về hình thức kiếm tiền thông qua việc giới thiệu và mời khách hàng vào nhóm của mình để bán sản phẩm, vị khách này đã quyết định xuống tiền để đầu tư mua sản phẩm, đồng thời được nhân viên tại đây đến Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Kangen Hoàn Nguyên có địa chỉ tại Số 10 BT8, khu đô thị An Hưng, phương Dương Nội, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội để nhận máy và làm các thủ tục khác (nhận hóa đơn, cung cấp các thông tin để nhập ID máy lên hệ thống,…).
Với những thông tin mà PV tiếp nhận được tại cơ sở Số BT15 – C37 Bắc Hà thì với một chiếc máy lọc nước Model K8 mà mười mua phải bỏ 143 triệu để mua, bên hãng Enagic sẽ cho khách hàng 8 điểm hoa hồng tương đương với 54%. Tuy nhiên, phía nhà máy sẽ không cho hết 54% một lúc mà là khi nào vị khách đó mời đủ 8 người vào hệ thống sẽ được hưởng 54% giá trị ban đầu mua máy gọi là quyền lợi đi kể chuyện.
Phương thức trả thưởng sẽ được hãng trả trực tiếp vào tài khoản của khách hàng dựa trên những thông tin đăng ký ban đầu. Ngoài ra từ người thứ 9 trở đi người giới thiệu sẽ được thêm 200USD/sản phẩm kèm với đó là những mức thưởng được hứa hẹn lên đến 12.000USD/tháng.
Nếu theo lời của tư vấn viên này thì người đứng đầu của team (nhóm) kinh doanh này sẽ được hưởng một khoản lợi nhuận khổng lồ từ phía nhà máy Enagic thông qua việc bán được nhiều sản phẩm cho các chân rết bên dưới. Và, với cách áp dụng như vậy, nếu 05 đại lý của Công ty TNH Enagic tại thị trường Việt Nam là những “thủ lĩnh, chóp bu” của nhiều chân rết tại thị trường Việt Nam thì khoản tiền nhận về từ việc bán máy sẽ là con số rất lớn mà không có bất kỳ cơ quan thuế nào có thể kiểm soát được. Liệu rằng có hay không việc các đại lý này sẵn sàng bán với giá thấp hơn so với giá nhập về để tránh thuế thu nhập, đồng thời qua mặt các cơ quan chức năng bằng hình thức kinh doanh đa cấp trá hình?
Khi viết bài viết này, tác giả không quy kết đây có phải là hành vi kinh doanh trái pháp luật hay không? Tác giả chỉ muốn gợi mở những điều bất thường từ việc tiếp thị bán hàng của các chân rết, đến đơn giá nhập vào bán ra của các đại lý, thu nhập khủng của các chân rết để các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra xác minh làm rõ việc: Có hay không hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình của các đại lý đang kinh doanh các sản phẩm máy lọc nước mang thương hiệu Kangen?
Ở bài viết tiếp theo, PV sẽ tiếp tục cung cấp tới độc giả những xác nhận của Công ty TNHH Enagic Thái Lan đối với hoạt động của 05 đại lý tại Việt Nam; những ý kiến của chuyên gia về vấn đề chế tài áp dụng đối với hành vi kinh doanh đa cấp trái phép; những chiêu qua mắt lực lượng chức năng của các đối tượng đang áp dụng loại hình kinh doanh đa cấp trá hình. Bên cạnh đó là những phân tích nói về công dụng của máy lọc nước tạo ion kiềm, đâu là sự thật về những công dụng như lời quảng cáo? Việc dùng nước ion kiềm lâu dài sẽ có những tác động thế nào tới cơ thể?
(Còn nữa)
T.A