Bài 1: Honda Việt Nam: Gần 2.000 công nhân nghỉ việc mỗi năm

Bài 2- Gần 2.000 công nhân Honda nghỉ việc mỗi năm: Người lao động nói gì?

Bài 3- Gần 2.000 công nhân Honda nghỉ việc mỗi năm: Khi tuổi xuân đã mất…

Bài 4- Một tâm sự “đắng chát”!

Bài 5: Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo kiểm tra làm rõ

Bài 6: Công nhân bức xúc về tình trạng sa thải

THCL Sau khi có chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH tại Công văn số 3213/LĐTBXH-LĐTL về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động, mới đây, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc với Honda VN(HVN) và gửi báo cáo kết quả về Bộ.

Trong Báo cáo số 1746/SLĐTBXH-LĐTL do ông Khổng Sơn Trường, Giám đốc Sở LĐ– TB&XH Vĩnh Phúc ký gửi lên Bộ LĐ-TB&XH có đưa ra con số về lao động nghỉ việc, bị kỷ luật sa thải và hết hạn hợp đồng lao động từ năm 2009 đến tháng 8/2016. Theo đó, tính đến tháng 8/2016,HVN đang sử dụng 9.913 lao động. Số chấm dứt hợp đồng lao động từ năm 2009 đến tháng 8/2016 là 13.521 người, bình quân 1.690 người/năm, bình quân giai đoạn 2013 – 2016 là 1.899 người/năm. Trong đó, lao động tự xin nghỉ việc là 11.942 người; số bị kỷ luật sa thải là 74 người; số hết hạn hợp đồng lao động là 1.505 người…

Tuy nhiên, tất cả con số về lao động nghỉ việc trong báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc gửi lên Bộ LĐ-TB&XH nêu trên đều được trích dẫn từ báo cáo của HVN. Khi đọc những con số này, chúng tôi cho rằng còn rất nhiều nội dung bạn đọc quan tâm chưa được HVN cũng như Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc làm rõ. Đó là: số lần Honda tổ chức thi tuyển nhân viên chính thức trong năm? Số lượng lao động tham gia thi và đặc biệt là tỷ lệ đỗ nhân viên chính thức sau các đợt thi là bao nhiêu?... Vì đây chính là nội dung đang gây bức xúc và nhận được sự quan tâm lớn nhất từ phía người lao động.

Bên cạnh những thống kê về lao động nghỉ việc tại HVN, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc cũng yêu cầu đối với HVN thực hiện một số nội dung trong thời gian tới:

1. Rà soát công tác tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động, thực hiện đầy đủ các quy định về pháp luật lao động. Tổng hợp, phân tích nguyên nhân lao động xin nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng trong năm để có chính sách phù hợp.

2. Cần có chính sách để đảm bảo lợi ích giữ lao động ổn định lâu dài, gắn bó với công ty. Nghiên cứu điều chỉnh việc tổ chức thi tuyển, đánh giá lao động hàng năm để xem xét tiếp tục giao kết hợp đồng lao động mới sau khi hợp đồng lao động cũ đã hết hạn phù hợp với năng lực, điều kiện của lao động, không tạo áp lực, gây bức xúc cho công nhân.

3. Thực hiện công khai, minh bạch công tác tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động, các chính sách phúc lợi, an sinh dành cho người lao động. Tuyên truyền để người lao động biết và thực hiện tốt các quy định về pháp luật lao động…

Ngoài nội dung yêu cầu HVN thực hiện như trên, qua công tác quản lý, theo dõi, nắm bắt tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TH&XH phát hiện nhiều doanh nghiệp có sự biến động lao động lớn trong năm (nhất là trong các lĩnh vực điện tử, măy mặc).

Từ thực tế này, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, khảo sát việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật, tìm nguyên nhân lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động tại doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2016. Theo đó, thành phần gồm đại diện lãnh đạo Sở và phòng chuyên môn của các sở, ngành: LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh, BHXH tỉnh, Sở Tư pháp.

Sau khi có kết quả khảo sát của Đoàn công tác liên ngành của tỉnh về nội dung chấp hành pháp luật lao động của một số doanh nghiệp trên địa bàn, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc sẽ báo cáo, kiến nghị đề xuất cụ thể với Bộ LĐ-TB&XH.

Long Trần – Tuấn Anh