Tại Lễ ký quy chế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế nhấn mạnh, trong quá trình phát triển kinh tế, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là lực cản cho nền kinh tế. Chính vì vậy, ngày 19/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).
Quang cảnh buổi ký quy chế phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong sản xuất, kinh doanh xe máy
Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, cũng như nhiều lãnh đạo các bộ, ngành tham gia bộ máy chỉ đạo ở cấp trung ương. Theo đó, các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Giúp việc cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có Cơ quan Thường trực (Bộ Tài chính) và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giúp việc cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Với chức năng nhiệm vụ, Văn phòng Thường trực đã tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ký nhiều kế hoạch chuyên đề để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tại lễ ký kết, Chủ tịch Hiệp hội VAMN Keisuke Tsuruzono hi vọng, sau khi ký quy chế, hai bên sẽ gặt hái được nhiều kết quả to lớn, nhân rộng niềm vui mua hàng, bán hàng trong cộng đồng ủng hộ hàng chính hãng, thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng, đẩy lùi tệ nạn hàng giả đối với ngành công nghiệp xe máy tại Việt Nam.
Hiệp hội nhận thức được việc đồng hành cùng Chính phủ làm trong sạch thị trường, góp phần khẳng định cam kết của Chính phủ với các Hiệp định CPTPP, EVFTA… Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ chấm dứt được nạn hàng giả trong ngành công nghiệp xe máy.
Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Thường trực và VAMN quy định nguyên tắc, nội dung trách nhiệm chế độ phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xe máy, phụ tùng xe máy.
Việc ký quy chế phối hợp nhằm mục đích tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý với các hành vi buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ… góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa Văn phòng Thường trực và VAMN trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý với các hành vi vi phạm.
PV