Trao đổi với PV, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thái Bình, Nguyễn Văn Nghiên cho biết:
Thời gian qua, các Sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thái Bình tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các nhóm nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá; chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tại Công văn số 35/VPTT-TH, ngày 27/1/2021 về việc tiếp tục tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển…
Theo đó, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành và triển khai đến các sở, ngành thành viên thực hiện 23 văn bản, kế hoạch trong công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả.
7 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Các ngành thành viên trong Ban chỉ đạo đã chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để có phương án ứng phó kịp thời theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Chú trọng phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý, không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa hợp pháp. Các đơn vị thành viên chỉ đạo công chức chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch, bố trí công chức trực kiểm tra kiểm soát tại địa bàn 24/24h trong thời gian diễn ra dịch bệnh (kể cả ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính) để kịp thời cập nhật, báo cáo tình hình và xử lý các tình huống phát sinh trên địa bàn.
Kết quả, (từ ngày 16/12/2020 -15/6/2021), các lực lượng chức năng Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã tổng kiểm tra 1.488 vụ; tổng số vụ xử lý 960; khởi tố hình sự 245 vụ, với 281 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 19.735.386.000 đồng. Trong đó, tiền phạt vi phạm hành chính 6.348.050.000 đồng; tiền truy thu thuế 13.076.000.000 đồng; tiền bán hàng tịch thu 311.336.000 đồng.
Ngoài công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, các ngành thành viên Ban chỉ đạo (công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Công thương, Cục quản lý thị trường tỉnh) đã huy động nhiều cán bộ, công chức tham gia các chốt kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 do UBND tỉnh thành lập; tham gia tổ tuần tra phòng chống dịch của UBND các huyện, thành phố thành lập và kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tham gia Ban chỉ đạo theo dõi, giám sát, kiểm tra mặt hàng thiết yếu phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương, Bưu điện tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ 93 tấn vải thiều của tỉnh Bắc Giang theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường; Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng phối hợp với Sở Công thương tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, rà soát hiện trạng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định của UBND tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Nghiên, để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và phòng chống dịch Covid-19, thời gian tới các lực lượng chức năng thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND tỉnh. Chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch, bảo đảm an toàn trong hoạt động công vụ của cán bộ công chức với giải pháp vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa thực hiện tốt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hai là, mở đợt cao điểm về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trọng tâm kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội: Vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, ma túy, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, vật tư nông nghiệp, phụ gia thực phẩm; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Ba là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND tỉnh về đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị, quan trọng thường xuyên và lâu dài.
Bốn là, tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389, ngày 9/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Kế hoạch số 04/KH-BCĐ, ngày 2/11/2020 của Ban chỉ đạo 389 tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, về các hành vi, phương thức hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; Xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo các chuyên đề để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân để người dân tích cực, chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Sáu là, tăng cường công tác quản lý thị trường giá cả, kịp thời đề xuất xử lý những vấn đề gây bất ổn thị trường, bảo đảm cung, cầu các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong các dịp lễ, Tết; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch Covid-19, việc chấp hành pháp luật về giá, các hàng hóa dịch vụ phải đăng ký giá, kê khai giá; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý, gây mất ổn định thị trường.
Bảy là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức, chiến sỹ các lực lượng chức năng trong việc thực thi công vụ; động viên khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp có hành vi bao che, dung túng tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Nguyễn Kiên