Hiện nay, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Kế hoạch này nhằm phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm; các hành vi gian lận thương mại (đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật,...), góp phần ổn định thị trường, lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Khuyến khích phát triển sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa với chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần tạo điều kiện cho Nhân dân vui tết, đón xuân lành mạnh, an toàn.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả, hàng hóa trên thị trường, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Đồng thời, tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt nguồn tin, xây dựng phương án kiểm tra đột xuất. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong đó tập trung vào các mặt hàng như: pháo các loại, thuốc nổ, đèn trời, đồ chơi trẻ em gây kích động bạo lực, thuốc lá nhập lậu, rượu nhập lậu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp tết, như: bánh, mứt, kẹo, sản phẩm gia súc, gia cầm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng...; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm tăng giá để thu lợi bất chính.
Trong tháng 1/2021, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý 142 vụ vi phạm. Trong đó, có 22 vụ xử lý hàng cấm, hàng nhập lậu; 5 vụ vi phạm trong lĩnh vực hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; 49 vụ vi phạm về lĩnh vực giá; 16 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm...Một số vụ việc điển hình như: ngày 22/1/2021, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Quảng Xương kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29C-87.691 do ông Phạm Đình Nghĩa điều khiển, trú tại xã Chương Mỹ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đang đậu đỗ bốc dỡ hàng hóa tại địa điểm xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương.
Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, ông Nghĩa không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ theo quy định liên quan đến toàn bộ số hàng hóa trên. Vụ việc đã chuyển giao cho Công an huyện Quảng Xương tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa và các ngành chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán pháo trái phép. Đơn cử như ngày 16/1/2021, Tổ công tác của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đang làm nhiệm vụ trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã phát hiện, bắt giữ đối tượng đang có hành vi vận chuyển trái phép 5 hộp pháo hoa nổ có trọng lượng 8kg.
Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận tên là Đào Xuân Ngọc, sinh năm 1996 ở xã An Nông, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), sau khi lên mạng xã hội thấy việc buôn bán pháo nổ dễ kiếm lời nên Ngọc đã vào tỉnh Bình Phước liên hệ với một đối tượng ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) để mua 5 bánh pháo hoa nổ với giá 10 triệu đồng rồi đóng thùng lên xe khách về Thanh Hóa bán kiếm lời. Khi về đến địa bàn xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) thì bị lực lượng An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện, bắt giữ.
Không chỉ “nóng” các vụ việc, hành vi về hàng cấm, hàng lậu, tranh thủ thời điểm nhu cầu thị trường hàng hóa tăng cao, nhiều đối tượng cũng lợi dụng để đưa nhiều loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu giá trị cao, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được phát giác, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, trong bối cảnh này, các cơ quan truyền thông, chính quyền các địa phương cần chú trọng và đẩy mạnh các hình thức thông tin tuyên truyền về việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các điều khoản tại Nghị định 137/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đã có hiệu lực từ ngày 11/1/2021; công khai các vụ việc vi phạm để tăng tính răn đe với các đối tượng vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Hoài Thu