Tại Vĩnh Phúc, vào dịp áp Tết nguyên đán, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp hơn. Các đối tượng thường sử dụng nguyên liệu có giá thành, chất lượng thấp, trôi nổi trên thị trường để sản xuất hàng hóa, sau đó dán nhãn mác của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu. Hàng giả, hàng cấm tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu sử dụng cao.
Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2021, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường phải được tăng cường.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng công an tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 30 của Ban chỉ đạo 389 tỉnh về cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động chống đấu tranh trên môi trường thương mại điện tử; phối hợp với các địa phương dự báo, theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, nắm chắc tình hình cung cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân.
Đồng thời, thường xuyên nắm thông tin, theo dõi và kịp thời giám sát, ngăn chặn, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm; tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa dịch vụ, tập trung vào các tuyến đường từ Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng về Vĩnh Phúc và từ Vĩnh Phúc đi các tỉnh lân cận; các huyện, thành phố tập trung đông người; các cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối, điểm trung chuyển hàng hóa như Vĩnh Yên, Phúc Yên, Vĩnh Tường…
Năm 2020, tại Vĩnh Phúc tổng số vụ, đối tượng vi phạm hàng hóa được cơ quan công an phát hiện, xử lý là 416 vụ/429 đối tượng (tăng 159 vụ/151 đối tượng so với cùng kỳ). Cùng với việc kiên quyết khởi tố 26 vụ/30 bị can, cơ quan công an còn xử lý hành chính 381 vụ/390 đối tượng với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.
Hoan Nguyễn