Hàng hoá không tem nhãn phụ, “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Trong bài viết “Siêu thị Thành Đô tại Hà Nội: Bày bán hàng hoá không tem nhãn phụ, không rõ xuất xứ” đăng tải trên Thương hiệu và Công luận ngày 8/4/2023, phóng viên đã ghi nhận thực trạng hàng hoá tại hệ thống siêu thị Thành Đô tại Hà Nội.
Mục sở thị tại siêu thị Thành Đô cơ sở 306 Hồ Tùng Mậu ngày 4/4/2023, phóng viên ghi nhận tại đây có quy mô rộng lớn với 6 tầng bày bán rất nhiều các loại mặt hàng. Trong đó có những mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam như bánh kẹo, nước uống, rau củ, thịt cá..., nhưng cũng có những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thiếu thông tin tem nhãn khiến người tiêu dùng khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm như hàng gia dụng nhà bếp, nhà tắm, rau củ quả, phụ kiện cá nhân, đồ chơi trẻ em, quần áo nam nữ, túi xách, giày dép…
Tiếp tục khảo sát tại cơ sở siêu thị Thành Đô số 352 Giải Phóng, trong ngày 5/4/2023, phóng viên cũng nhận thấy tình trạng tương tự với nhiều sản phẩm hàng hoá không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định như đồ gia dụng bếp, nhà tắm, phụ kiện cá nhân, văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh, quần áo nam nữ, giày dép nam nữ, túi xách... Tại đây có quy mô lớn với 3 tầng bày bán hàng hoá.
Chưa hết, phóng viên còn nhận thấy, tại hệ thống siêu thị Thành Đô còn những mặt hàng “nhái” thương hiệu về kiểu dáng với những thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới. Theo ghi nhận, nhiều mặt hàng túi xách được bày bán có hình dáng giống với các thương hiệu Như Dior, LV, Gucci, Tory Burch, Balenciaga, Buberry… với mức giá vô cùng rẻ.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, với việc bán hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài không có tem phụ Tiếng Việt là vi phạm khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007.
Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định về nghĩa vụ của người nhập khẩu là chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu. Đồng thời khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng Tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng Tiếng Việt. Theo quy định nhãn hàng hóa là yếu tố bắt buộc phải được thể hiện trên sản phẩm hàng hóa.
Như vậy, việc siêu thị Thành Đô bày bán các mặt hàng không tem nhãn phụ, thiếu thông tin xuất xứ sản phẩm, một mặt đang vi phạm quy định của pháp luật về tem nhãn hàng hoá, mặt khác thiếu tôn trọng khách hàng khi không cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm để khách hàng tìm hiểu, lựa chọn chp phù hợp với nhu cầu và sức khoẻ của bản thân và gia đình.
Siêu thị Thành Đô “im lặng”
Để thông tin khách quan và đa chiều, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã đặt lịch làm việc tại cơ sở 306 Hồ Tùng Mậu. Tại đây, quản lý siêu thị tên Hà đã tiếp nhận thông tin đặt lịch làm việc của phóng viên và cho biết: “Sẽ báo cáo lãnh đạo cấp trên và phản hồi lại thông tin”.
Tuy nhiên đến nay, đã nhiều ngày trôi qua, phía Thương hiệu và Công luận cũng đã chủ động 2 lần liên hệ lại qua điện thoại để sắp xếp lịch làm việc nhưng quản lý siêu thị Thành Đô cho biết: “Các sếp đi công tác nên vẫn chưa có lịch làm việc”.
Như vậy có thể thấy, sau phản ánh của cơ quan báo chí về thực trạng bày bán hàng hoá tại siêu thị, phía siêu thị Thành Đô chọn cách “im lặng”, “né tránh” trả lời thắc mắc của bạn đọc. Điều này khiến dư luận càng thêm nghi ngờ hơn về sự minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ, chất lượng các sản phẩm được bày bán tại siêu thị Thành Đô?
Siêu thị Thành Đô có nhãn hiệu đã được đăng kí bảo hộ cấp quốc gia ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh, bán lẻ, phân phối hàng tiêu dùng là THANHDOMART, nhưng thực tế thì nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm còn là điều đáng phải bàn tới. Và khi dư luận muốn được lắng nghe câu trả lời chính thức từ phía siêu thị Thành Đô sau phản ánh của báo chí, thì đơn vị này không có bất cứ động thái nào ngoài “im lặng”.
Để bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng trước “ma trận” hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm tại siêu thị Thành Đô, cũng như đảm bảo kinh doanh tuân thủ pháp luật, tạo môi trường lành mạnh với các đơn vị kinh doanh khác, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Cục quản lý thị trường TP Hà Nội và các cơ quan có liên quan để tiếp tục phản ánh thông tin đến bạn đọc.
Trúc Mai – Hồng Nhung