LTS: Tạp chí Thương hiệu và Công luận là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) với tôn chỉ tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…
Tạp chí Thương hiệu và Công luận luôn cung cấp những thông tin nhanh chóng, kịp thời, hữu ích về công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng trốn thuế Nhà nước… nên luôn nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nhiều năm qua.
Liên quan tới công tác phòng, chống gian lận thương mại thời gian vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã ban hành nhiều văn bản, quyết định nhằm kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của hàng hóa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu & Công luận, việc chấp hành các quy định pháp luật về nguồn gốc, nhãn mác hàng hóa tại một số cửa hàng, siêu thị chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Bày bán hàng hoá không tem nhãn, không rõ xuất xứ
Theo tìm hiểu, hệ thống siêu thị Thành Đô có nhiều cơ sở tại Hà Nội và trên cả nước. Tuy nhiên đến nay, nhiều cơ sở đã đóng cửa. Hiện, tại Hà Nội theo ghi nhận còn các cơ sở tại 306 Hồ Tùng Mậu; 352 Giải Phóng; 285 Lĩnh Nam; 27 Lạc Trung là đang hoạt động.
Mục sở thị tại siêu thị Thành Đô cơ sở 306 Hồ Tùng Mậu ngày 4/4/2023, phóng viên ghi nhận tại đây có quy mô rộng lớn với 6 tầng bày bán rất nhiều các loại mặt hàng. Trong đó có những mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam như bánh kẹo, nước uống, rau củ, thịt cá..., nhưng cũng có những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thiếu thông tin tem nhãn khiến người tiêu dùng khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm.
Theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu và Công luận, tầng 1 bày bán các loại thực phẩm phục vụ ăn uống, sữa, gia vị, bánh kẹo, quầy mỹ phẩm, các phụ kiện thời trang, làm đẹp,... Trong đó khu mỹ phẩm, kính mắt, đồng hồ, đồ dùng văn phòng phẩm… được quây thành một khu riêng biệt và thanh toán tiền riêng.
Tại đây, phóng viên nhận thấy có các loại rau củ, quả thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ, ngày đóng gói và hạn sử dụng…
Tiếp đó lại khu bày bán mỹ phẩm, đồng hồ, kính mắt, văn phòng phẩm… được quây thành khu vực riêng và thanh toán riêng, có nhiều loại mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán với giá vô cùng rẻ.
Đáng chú ý, khi khách hàng mua đồ tại gian hàng này đều phải thanh toán trước tại quầy. Điều này khiến phóng viên hết sức tò mò và hỏi: “Mọi món đồ tại quầy này như đồng hồ, khuyên tai,… đều phải thanh toán trước phải không?” thì nhận được câu trả lời từ phía nữ nhân viên đang làm việc tại Siêu thị Thành Đô: “Mua hàng xong phải thanh toán luôn bởi có những món đồ, em không dán tem”.
Tiếp tục “mục sở thị” lên tầng 2 của Siêu thị Thành Đô. Tầng 2 là nơi bày bán đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em. Tại đây phóng viên cũng ghi nhận có những mặt hàng gia dụng hoàn toàn chữ nước ngoài, không có thông tin tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định.
Tầng 3 là nơi bày bán thời trang nam như quần áo, mũ …với đa dạng mẫu mã, kiểu dáng từ công sở đến thông thường như đi chơi, du lịch… Và phóng viên cũng ghi nhận nhiều sản phẩm không có thông tin gì về nguồn gốc xuất xứ, chỉ có duy nhất thông tin về giá. Thậm chí nhiều mặt hàng có mác chữ nước ngoài, và tìm mãi cũng không thấy thông tin chi tiết về nguồn gốc xuất xứ, cách bảo quản, sử dụng sản phẩm ở đâu?
Tầng 4 và 5 là nơi bày bán thời trang dành cho phụ nữ, học sinh, sinh viên. Cũng ghi nhận tình trạng tương tự, tại đây bày bán nhiều mẫu mã chủng loại như quần áo, váy vóc, tất, mũ, trong đó có những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại tầng 6, là nơi bày bán túi xách, ví đựng tiền, ba lô, giày dép, thắt lưng… phóng viên cũng nhận thấy nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Có những sản phẩm ghi chữ “Made in China” nhưng cũng không có thông tin về tem nhãn Tiếng Việt.
Thậm chí tại đây, phóng viên còn nhận thấy các sản phẩm kém chất lượng, như đôi giày này, rất cũ, bụi bẩn, bị bong tróc da…
Tiếp tục khảo sát tại cơ sở siêu thị Thành Đô số 352 Giải Phóng, trong ngày 5/4/2023, phóng viên cũng nhận thấy tình trạng tương tự. Tại đây có quy mô lớn với 3 tầng bày bán hàng hoá.
Tại tầng 1, phóng viên thấy nhiều mặt hàng không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại khu vực bày bán đồ dùng học tập, văn phòng phẩm, nhiều mặt hàng 100% chữ Trung Quốc, nhưng không tìm thấy thông tin tem nhãn phụ Tiếng Việt, khiến khách hàng không biết thông tin về xuất xứ, cách sử dụng, công dụng, thành phần…
Tại khu vực đồ dùng gia đình, cũng ghi nhận một số loại mặt hàng sữa tắm cho trẻ em toàn chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định.
Khu vực bày bán mỹ phẩm, kính mắt, phụ kiện… cũng được quây thành khu vực riêng, ghi nhận một số mặt hàng không có tem nhãn phụ theo quy định.
Tại tầng 2, là nơi bày bán đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng… phóng viên cũng nhận thấy có những mặt hàng 100% chữ Tiếng Việt, hoặc là sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài cũng có tem nhãn phụ Tiếng Việt đầy đủ.
Tại tầng 3 là khu vực thời trang nam nữ, túi xách, phụ kiện… cũng ghi nhận tình trạng tương tự, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Có những sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Tại siêu thị Thành Đô, phóng viên nhận thấy những mặt hàng “nhái” thương hiệu về kiểu dáng với những thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới.
Theo ghi nhận, nhiều mặt hàng túi xách được bày bán có hình dáng giống với các thương hiệu Như Dior, LV, Gucci, Tory Burch, Balenciaga, Buberry… với mức giá vô cùng rẻ.
Cụ thể, như chiếc túi màu đen nhái kiểu dáng của thương hiệu Dior được bày bán tại Siêu thị Thành Đô 306 Hồ Tùng Mậu. Hàng chính hiệu Dior có giá lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng tại Siêu thị Thành Đô, sản phẩm này được bày bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.
Hay đôi giày thể thao Balenciaga dòng Triple S được thương hiệu này bán với giá khoảng 30 triệu đồng, thì tại Siêu thị Thành Đô, chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng. Thậm chí, tương tự như những sản phẩm khác, đôi giày này cũng không có tem nhãn phụ Tiếng Việt như quy định của pháp luật khiến người tiêu dùng đặt dấu hỏi về chất lượng, cũng như nguồn gốc của món hàng này.
Tại Siêu thị Thành Đô địa chỉ 352 Giải Phóng, tình trạng nhái thương hiệu vẫn tiếp tục diễn ra. Như sản phẩm túi xách nhái GL nhái kiểu dáng thương hiệu thời trang cao cấp LV được bày bán với giá vài trăm nghìn đồng. Trong khi thực tế, túi xách LV có giá trị thực tới hàng chục triệu đồng.
Một số hình ảnh túi xách bị “nhái” thương hiệu về kiểu dáng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tại Siêu thị Thành Đô:
Quy định về tem nhãn hàng hoá
Theo quy định tại Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT, do Bộ Công Thương ban hành, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được kiểm tra và dán nhãn chứng nhận hợp quy, chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, với việc bán hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài không có tem phụ Tiếng Việt là vi phạm khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007.
Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định về nghĩa vụ của người nhập khẩu là chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu. Đồng thời khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng Tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng Tiếng Việt.
Cũng theo luật sư Cường, đối với việc bán hàng không có nhãn mác (cơ sở sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, thành phần...) chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 3 nghị định 43/2017/NĐ-CP thì nhãn mác hàng hóa được hiểu là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Thông qua nhãn mác hàng hóa, người tiêu dùng có thể nhận biết, làm căn cứ để lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm, đồng thời để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Theo quy định nhãn hàng hóa là yếu tố bắt buộc phải được thể hiện trên sản phẩm hàng hóa.
Như vậy, việc siêu thị Thành Đô bày bán các mặt hàng không tem nhãn phụ, thiếu thông tin xuất xứ sản phẩm, một mặt đang vi phạm quy định của pháp luật về tem nhãn hàng hoá, mặt khác thiếu tôn trọng khách hàng khi không cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm để khách hàng tìm hiểu, lựa chọn chp phù hợp với nhu cầu và sức khoẻ của bản thân và gia đình.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài viết tiếp theo!
Trúc Mai - Hồng Nhung