Trúng tuyển đại học khi chưa tốt ghiệp THPT

Trước khi thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học công lập, thậm chí là trường TOP 1 cũng thông báo tới thí sinh rằng, đã trúng tuyển đại học từ phương pháp xét tuyển học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, kết quả đánh giá năng lực. Nhiều thí sinh nhận được thông báo đã gần như không thèm ôn thi tốt nghiệp để đạt điểm cao nữa, vì cho rằng, đã đỗ đại học, tốt nghiệp thì “đơn giản”. Bộ phận học sinh này đã gây hoang mang cho những học sinh không xét tuyển theo các hình thức học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả đánh giá năng lực.

Nhiều học sinh phản ánh trong nỗi chán chường rằng: “Bạn ấy ở lớp, lực học thực chất chỉ trung bình khá, khá nhưng có mẹ, cha lo… là giáo viên trong trường, điểm phẩy cao hơn cả các bạn học giỏi nên xét tuyển học bạ đỗ dễ ợt, nhưng thi tốt nghiệp cái khối mà bạn ấy xét tuyển, nếu không có sự hỗ trợ, mỗi môn chắc chắn không quá điểm 7….”.

Thực tế đã có một số trường hợp như vậy, để học sinh đó tự làm thì điểm chỉ ở mức trung bình là 6, tiệm cận 7 mà thôi. Vậy, học sinh hoang mang cũng có lý do. Thế thì, 3 năm học, điểm là học sinh giỏi, thậm chí là xuất sắc, thi tốt nghiệp môn chọn xét tuyển không được 8,5 điểm trở lên thì quả thực, kết quả học “ảo tung chảo” là đúng đến mức học sinh khác hoang mang là có thật.

Học sinh tại điểm thi số 12 trường THPT Nguyễn Văn Cừ, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo chương trình cũ sáng ngày 27/6 vừa qua.
Học sinh tại điểm thi số 12 trường THPT Nguyễn Văn Cừ, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo chương trình cũ sáng ngày 27/6 vừa qua.

Vấn đề đặt ra, số lượng học sinh có phụ huynh là giáo viên ở trường chỉ là thiểu số, không thể là đa số, vậy còn các “nguồn” khác thì sao? “Nguồn” khác ở đây là dạng gì? Theo phản ánh của học sinh thì “bạn ấy có cha mẹ, chú, cô, bác, dì, cậu, mợ… thân quen thầy cô giáo trong trường, các thầy cô giáo trong ban giám hiệu nhà trường… hỗ trợ điểm nên mới được xuất sắc, giỏi, chứ học bình thường hơn cả chúng em”.

Một dạng tiếp theo là phụ huynh đã có “định hướng” trước là sẽ cho con vào trường này, trường kia nên khi thi vào cấp 3, chỉ thi trường bình thường (tức trường có số điểm đầu vào thấp để dễ đỗ, thậm chí là dân lập để được “xét ưu tiên” nhằm dễ dàng “quan hệ” điểm cho con. Và, trường hợp này không phải nhiều nhưng cũng không hề ít. Đó là những gia đình có điều kiện về kinh tế, có chức vụ, địa vị. Họ đã “nhắm” trường đại học cho con và sau đó thì xét tuyển học bạ, ra trường lại được bố mẹ, họ hàng giúp đỡ vào làm công chức, cán bộ… kiểu như “sinh ra ở vạch đích” như học sinh thường nói…

Điều làm học sinh hoang mang hơn nữa là, khi vào học, một số học sinh dạng trên còn quậy, phá, thậm chí “trình diễn” những “khả năng siêu phàm” đến mức nhiều học sinh cùng trang lứa, được giáo dục trong cẩn thận thấy rất sợ hãi, không muốn làm quen, dù được lôi kéo, dụ dỗ và cả dọa nạt. Những học sinh trên, phụ huynh thường rất năng nổ trong các hoạt động đóng góp, xã hội hóa ở trường. Họ sẵn sàng thể hiện, chi ra những khoản tiền để con mình nhận được “sự bảo trợ” về điểm. Có học sinh, khi được xếp ngồi thi cùng đã thấy rất lạ bởi tên vần H mà ngồi cạnh được cả vần T….

Nhiều học sinh hoang mang việc, chưa tốt nghiệp trung học phổ thông đã nhận được thông báo trúng tuyển đại học. (Ảnh minh họa)
Nhiều học sinh hoang mang việc, chưa tốt nghiệp trung học phổ thông đã nhận được thông báo trúng tuyển đại học. (Ảnh minh họa)

Việc học sinh hoang mang, chúng ta cần phải ghi nhận thực tế đó và xem xét một cách thấu đáo. Điều đó, chứng tỏ sự nhạy cảm của tuổi bắt đầu trưởng thành không chỉ là cảm xúc mà cũng có sự so sánh, cũng biết băn khoăn… còn hơn bộ phận học sinh thờ ơ, mặc kệ với tất cả.

Những ý kiến đáng suy ngẫm

Những năm gần đây, việc xét tuyển học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, thi đánh giá năng lực của các trường đại học công lập, TOP đầu đã không còn xa lạ với các phụ huynh và học sinh. Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc tuyển thẳng vào đại học theo học bạ đã làm giáo dục đại học kém chất lượng, mang tính đại trà, phổ cập đại học. Có nhiều yếu tố để các ý kiến trên nhận được đồng thuận.

Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thể hiện: Tuyển bằng ba phương thức: Xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 18% và 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT trong khi các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.

Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thông tin từ Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Luật TP. HCM về công tác tuyển sinh năm 2024, thông báo rõ: Không xét tuyển bằng điểm học bạ. Lý do các hai trường trên đưa ra là việc xét tuyển đại học căn cứ vào học bạ có thể “nhàn hạ” cho các trường và dễ tuyển sinh, song chất lượng đầu vào rất đáng trăn trở. Bởi chất lượng dạy học, đánh giá của các trường THPT khác nhau, ở các địa phương khác nhau; thậm chí có mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau, truyền thống và uy tín… cũng khác, nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau.

Cũng theo phân tích của vị đại diện 2 trường đại học trên thì, tỷ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ hiện nay lên tới 90%. Như vậy, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Do đó, xét tuyển sinh đại học theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, thiếu khách quan và thiếu công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành hot như: Công nghệ thông tin, Y, Dược, Kinh tế, Luật, Tài chính...

Tiến sỹ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra ý kiến: Xét tuyển sinh đại học bằng học bạ dễ tiêu cực, bởi dễ có tình trạng “chạy điểm” và như vậy dẫn đến hệ quả không công bằng giữa thí sinh khi đánh giá học bạ không chuẩn. “Do đó, trong bối cảnh hiện nay, một số trường đại học lựa chọn cách làm bỏ xét tuyển sinh đại học bằng học bạ là phù hợp và cũng là cách thể hiện đẳng cấp chất lượng của nhà trường... Để tốt nhất cho tuyển sinh đầu vào, các trường đại học có thể kết hợp kết quả thi và phỏng vấn”, Tiến sỹ Vinh đồng tình.

TS.Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
TS.Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sỹ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: Những trường đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ là những trường có uy tín, có sự cạnh tranh rất cao. Họ làm như vậy, vẫn hút được thí sinh, thậm chí còn thể hiện sự đẳng cấp riêng biệt trong cách đánh giá năng lực thực sự của thí sinh.

“Mấy năm vừa rồi, qua phân tích so sánh của Bộ Giáo dục và Đào đạo, điểm trung bình học bạ của học sinh luôn cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Không có gì đảm bảo chắc chắn cho việc điểm học bạ không bị tác động. Việc “nâng điểm” có thể xuất hiện cho 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm học sinh khá, giỏi và muốn điểm số tốt lên để thuận lợi tối đa cho du học hoặc vào các trường top đầu trong nước.

Nhóm thứ hai là nhóm rất thấp ở dưới, thầy cô gọi là “nương tay” cho các em thuận lợi trong việc tốt nghiệp. Việc điểm bị sửa nhiều khi cũng không phải vì một động cơ tiêu cực nào cả (như nhờ vả hay chạy tiền...) mà chỉ đơn giản thầy cô thương học trò muốn cho thêm một chút, hoặc vì áp lực thi đua giữa các lớp… Đã có những trường đại học khảo sát cho thấy những sinh viên xét tuyển bằng điểm học bạ cao, quá trình học thường không được tốt như kỳ vọng. Như vậy rõ ràng, việc dùng điểm học bạ để xét tuyển vào các ngành/trường có mức điểm chuẩn 27-29 là không đủ độ tin cậy...” Tiến sỹ Phương ý kiến.

GS.TS Phạm Tất Dong, cố vấn của Hội Khuyến học Việt Namrất“khó chịu” với hình thức tuyển sinh đại học bằng xét tuyển học bạ. Giáo sư Dong phân tích: Chất lượng các cơ sở giáo dục hiện nay ở nước ta vẫn chưa đồng đều, nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở sẽ khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ THPT để xét tuyển đại học, sẽ không bảo đảm sự công bằng trong xét tuyển đại học giữa các thí sinh trong cả nước. Việc các trường đại học chấp nhận xét học bạ ít nhiều dẫn đến các vấn đề tiêu cực trong xét tuyển. Ví dụ như tình trạng "mua điểm", “làm đẹp học bạ", từ đó dẫn tới khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh. Một số trường hợp "chạy điểm" nhằm mục đích làm đẹp học bạ hoặc một số giáo viên cũng tạo điều kiện, nới lỏng tay khi chấm điểm cho học sinh, gây ra sự không đồng đều về điểm số giữa các trường.

“Theo tôi, cần nghiêm túc xem xét lại việc xét tuyển học bạ tràn lan như hiện nay, thậm chí loại bỏ phương thức xét học bạ ra khỏi việc xét tuyển đại học. Như vậy mới giảm thiểu tình trạng lạm phát điểm học bạ, chạy điểm làm đẹp học bạ”, Giáo sư Dong thẳng thắn ý kiến.

Tiến sỹ quản lý giáo dục Nguyễn Thanh Bình đồng tình với phương án xét tuyển đại học bằng học bạ. Theo Tiến sỹ Bình thì các trường có phương án tuyển sinh bằng học bạ nên khống chế chỉ tiêu và phải kèm điều kiện, thi tốt nghiệp môm xét tuyển được 8 điểm trở lên mới được xem xét công nhận kết quả học bạ. Bởi học bạ là giỏi thì điểm thi tốt nghiệp cũng phải giỏi mới tránh được tình trạng “mua điểm” trước đó.

Nhà giáo Trần Thanh Đức nêu quan điểm: “Hiện nay, các trường đại học phần lớn là tự chủ kinh phí. Thế nên, chúng ta không cần can thiệp quá sâu vào phương án tuyển sinh của họ. Thực tế, những năm qua cho thấy, xét tuyển học bạ đầu vào là cần thiết. Quá trình học, sinh viên không đáp ứng được yêu cầu, đã phải thi lại, học lại nhiều lần và có sinh viên đã 7, 8 năm không ra trường được vì nợ môn. Vấn đề ở đây là chất lượng đào tạo đại học, chứ không nên xiết đầu vào.”

Hoàng Minh An